Hoạt động của ngành

Du lịch Hà Nội - Quảng Ninh: Liên kết để phát triển

Cập nhật: 21/09/2011 09:41:46
Số lần đọc: 2686
Hà Nội và Quảng Ninh là hai địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch của cả nước. Với khoảng cách địa lý khá gần nhau, việc kết nối sản phẩm du lịch, tăng cường sự liên kết giữa hai địa phương sẽ mở ra nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng hình ảnh điểm đến thu hút khách...

Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… của cả nước, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành và thực sự đã trở thành trung tâm du lịch ở phía Bắc. Hà Nội là 1 trong 2 cửa ngõ giao thông đường không chính của Việt Nam, có đường bay trực tiếp đến 40 quốc gia trên thế giới, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường không đi đến các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, Hà Nội còn có lợi thế về loại hình du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm v.v...), du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, phố nghề, phố cổ...

Cùng với Hà Nội, tiềm năng phát triển du lịch của Quảng Ninh cũng rất phong phú. Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới 2 lần được UNESCO công nhận, là điểm đến quan trọng với khách du lịch quốc tế và nội địa. Ngoài Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, với khu di tích danh thắng Yên Tử, cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm - Phật giáo của Việt Nam và nhiều tài nguyên du lịch khác nữa. Không những thế, Quảng Ninh còn có cửa khẩu đường bộ, đường biển thu hút hàng vạn lượt khách Trung Quốc và khách du lịch nhiều quốc tịch khác nhau nhập cảnh vào Quảng Ninh, để từ đó vào sâu trong nội địa.

Trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên phát triển du lịch, trong thời gian qua, du lịch Hà Nội và Quảng Ninh đều đã có bước phát triển mạnh mẽ; tuy nhiên đáng tiếc là sự phát triển ấy vẫn chỉ mang tính độc lập, đơn lẻ, phát triển theo kiểu "mạnh ai nấy làm”. Mặc dù, Quảng Ninh và Hà Nội cũng đã từng có nhiều hợp tác trên lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, tính liên kết, hợp tác phát triển giữa 2 địa phương vẫn chưa cao, thậm chí còn mang tính hình thức, chưa có sản phẩm du lịch mang tính liên kết chung. Nếu có chăng cũng chỉ là sản phẩm du lịch do doanh nghiệp lữ hành tự xây dựng. Giá cả các dịch vụ du lịch, điểm vui chơi, mua sắm, ăn, nghỉ mỗi nơi một kiểu và chênh lệch nhau quá lớn. Thực tế, hiện nay các địa phương đều có quy hoạch định hướng phát triển du lịch nhưng sự gắn kết vùng còn hạn chế và quan trọng hơn là thực hiện chưa tốt những cam kết về liên kết. Những cam kết vẫn chỉ mang tính chung chung theo kiểu "ghi nhớ, hứa hẹn", chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương và không thống nhất được cách thức hoạt động, điều hành sản phẩm. Một thực tế, khi chương trình du lịch chỉ nằm trọn trong một địa phương, thiếu đi sự đa dạng, sản phẩm kém hấp dẫn, thì hậu quả là thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách đều hạn chế.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: việc kết nối phát triển du lịch giữa Hà Nội và Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 2 bên cùng phát huy lợi thế của mình để phát triển du lịch. Hai địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch. Trước hết là cùng tạo nên những sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau; chia sẻ dữ liệu các điểm đến tham quan du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và các loại hình dịch vụ khác trên địa bàn. Cũng như kết nối các thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch của Hà Nội và Quảng Ninh trên các ấn phẩm, thông tin tuyên truyền của 2 bên và cùng nhau tham gia các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế; kết nối hoạt động của các doanh nghiệp du lịch 2 địa phương trong công tác xây dựng tour, tuyến, điểm và xúc tiến du lịch, hợp tác tổ chức các tour du lịch cho khách du lịch trong và ngoài nước đến hai địa phương. Đồng thời phối hợp chặt chẽ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hoạt động của các doanh nghiệp du lịch để tạo hình ảnh tốt đẹp về điểm đến... Và để mô hình liên kết phát huy hiệu quả thì phải có thêm nhiều động thái tích cực từ nhiều phía. Quan trọng hơn cả là cần sự phối hợp, kết nối đồng bộ giữa doanh nghiệp và địa phương.

Có thể nói, việc tăng cường sự liên kết phát triển du lịch với Hà Nội nói riêng và với các địa phương khác nói chung, là hướng đi cần thiết hiện nay của Quảng Ninh. Việc liên kết phát triển du lịch, ngoài những lợi ích như nói ở trên, còn tạo thêm khả năng cạnh tranh giữa các bên liên quan, nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường…

Nguồn: website báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục