Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Hoạt động văn hoá 9 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc mới

Cập nhật: 07/10/2011 11:38:44
Số lần đọc: 2609
Trong 9 tháng đầu năm nay, các hoạt động văn hoá được tổ chức với nhiều sự kiện phong phú, diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao sự hưởng thụ văn hoá của bà con, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.  

Thành công trong việc tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội mùa xuân xứng đáng được nhắc đến đầu tiên. Với mấy chục lễ hội diễn ra vào 3 tháng đầu năm nhưng Quảng Ninh đã chỉ đạo tổ chức rất tốt từ nội dung lễ hội đến việc quản lý các hoạt động diễn ra trong khuôn viên lễ hội. Vệ sinh môi trường tại các điểm diễn ra lễ hội đã có nhiều chuyển biến tốt. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chú trọng. Tình trạng nâng giá, ép giá tại lễ hội, tình trạng cò mồi, bán hàng giả đặc biệt là thuốc giả, bày bán thịt thú rừng, hàng rong đã được ngăn ngừa. Các lễ hội đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan vãn cảnh, đặc biệt là Khu di tích danh thắng Yên Tử (Uông Bí), Lễ hội Tiên Công (Yên Hưng), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn), chùa Long Tiên (Hạ Long) v.v.. Các nguồn kinh phí thu từ lễ hội được quản lý và sử dụng công khai, minh bạch vào mục đích tôn tạo, phát huy giá trị của di tích và vào việc tổ chức lễ hội.

Một điểm đáng kể nữa là Quảng Ninh cũng đã đăng cai tổ chức thành công Liên hoan sân khấu hài toàn quốc khu vực phía Bắc lần thứ nhất với sự tham gia của hơn 20 đoàn nghệ thuật và 50 tiết mục hài. Nhiều tiết mục hài đặc sắc, sự góp mặt của những nghệ sĩ hài nổi danh và đặc biệt là sự nồng nhiệt của khán giả tỉnh nhà là những dư âm ngọt ngào mà Liên hoan đem lại. Quảng Ninh có hai đoàn tham gia Liên hoan cũng ghi được dấu ấn nhất định với 4 HC Vàng và 6 HC Bạc.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” tiếp tục được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 442 nhà văn hoá (NVH) (trong đó có 320 NVH thôn, làng, bản), nâng cấp, sửa chữa được 127 NVH thôn, khu, làng bản; hiện 62% số làng, bản, thôn, khu và 80% số gia đình trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn văn hoá. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích cũng ngày càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hoá đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều hoạt động đã và đang được triển khai như: Khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, lập quy hoạch tổng thể hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa các hiện tượng xâm phạm di tích; kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, Dự án nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị hát nhà tơ, hát cửa đình đã được UBND tỉnh phê duyệt, đi vào triển khai cũng là một điểm nhấn đáng kể, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Quảng Ninh.   

Bên cạnh đó, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp cũng có những khởi sắc đáng kể. Hệ thống thư viện tỉnh đã không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức phục vụ, ngoài việc tổ chức phục vụ tại chỗ, thư viện còn chú trọng công tác phục vụ tại cơ sở và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, hệ thống thư viện điện tử đã thực sự hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng đối với bạn đọc và trong công tác quản lý, tra cứu và giao lưu trao đổi với các thư viện tỉnh bạn trong cả nước. Trong 9 tháng qua, Đội phát hành phim và chiếu bóng lưu động đã tổ chức hơn 500 buổi chiếu phim lưu động, phục vụ nhân dân các huyện miền núi, biên giới, hải đảo, 487 buổi chiếu tại các rạp, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tới xem với doanh thu đạt trên 595 triệu đồng. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh khá tích cực trong việc dàn dựng các chương trình, vở diễn mới tập trung vào các chủ đề “nóng” của xã hội, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Trong 9 tháng vừa qua, 3 đoàn đã biểu diễn hơn 300 buổi, trong đó 120 buổi phục vụ chính trị, thu hút hàng chục vạn người đến xem, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.

Việc chuẩn bị cho công tác đầu tư xây Bảo tàng Quảng Ninh mới cũng là một điểm nhấn quan trọng. Ngoài việc tiếp tục hoàn chỉnh đề cương nội dung trưng bày mới thì Bảo tàng tỉnh cũng đã làm tốt công tác trưng bày, tuyên truyền theo chuyên đề, phát huy tốt hệ thống trưng bày cố định, phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập, thu hút 6.000 lượt khách tham quan. Trong 9 tháng qua, Bảo tàng đã tiến hành kiểm kê khoa học 200 hiện vật, đăng ký vào sổ kiểm kê hàng trăm hiện vật và vào phần mềm quản lý thông tin hàng ngàn phiếu; hoàn thiện thuyết minh đề tài “Nghiên cứu các giá trị văn hoá, khoa học và đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát huy di tích lò sứ cổ tại thôn Làng Mới, Nam Sơn, Ba Chẽ” v.v..

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục