Tuyên Quang: Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với du lịch
Tuyên Quang có những lễ hội truyền thống, trong đó có các nghi lễ cúng tế, làn điệu dân ca, điệu múa, trò chơi dân gian, phản ánh chiều sâu đời sống văn hóa tâm linh đa dạng và độc đáo của cộng đồng các dân tộc. Có thể kể đến các lễ hội ở tỉnh như: Lễ hội Lồng tông, lễ hội Cầu mùa của dân tộc Tày, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội nhảy lửa… lễ hội Động Tiên, hội chọi trâu, lễ rước Mẫu đền Hạ, lễ hội đình làng Giếng Tanh… Cùng với hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, Tuyên Quang đang là một bảo tàng lịch sử - văn hóa, điểm đến hấp dẫn đối với mỗi du khách.
Nhằm khai thác và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh ta xác định: “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống, các nghề truyền thống”, coi di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý báu của du lịch, là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Tuyên Quang.
Đến nay, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về du lịch đã có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã đi vào cụ thể, sâu sát hơn về phát triển du lịch. Mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ đó góp phần nâng cao hình ảnh về mảnh đất, con người Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng, giàu lòng mến khách. Năm 2006 có trên 300 nghìn lượt khách du lịch đến với tỉnh thì đến năm 2010 đã thu hút trên 500 nghìn lượt khách, nâng tổng số khách du lịch trong 5 năm là 2,2 triệu lượt người, mức tăng bình quân trên 10,9%/năm. Trong năm 2011, ước đạt trên 500 nghìn lượt khách du lịch. Toàn tỉnh đã xây dựng được các Làng Văn hóa - Du lịch gồm: Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn), Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình); Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa)... các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, như: Liên hoan dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc; các trò chơi dân gian đặc sắc gắn với các lễ hội như: Lồng tông, Cầu mùa, đền Hạ, đình Giếng Tanh, chọi trâu... Hàng năm, tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái, các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, qua đó thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư và chỉ đạo khá chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Đề án tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, nghiên cứu các đề tài khoa học, xuất bản các cuốn sách về văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Cao Lan, Sán Dìu, Pà Thẻn... Xây dựng các thước phim tư liệu về các lễ hội văn hóa các dân tộc trong tỉnh như Lồng tông của dân tộc Tày, Cấp sắc của dân tộc Dao, các lễ hội đặc trưng của nhiều địa phương trong tỉnh...
Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân dân gian, già làng có công lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng cơ sở và nhân dân trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Mục tiêu đến năm 2015, thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch đến với Tuyên Quang.