Hoạt động của ngành

Du lịch Lào Cai sẵn sàng đón chào tour Tây Bắc

Cập nhật: 10/10/2011 15:22:07
Số lần đọc: 2230
Năm 2011, du lịch Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nối vòng tay lớn với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu với các chủ đề hấp dẫn “Cội nguồn đất Tổ” (Phú Thọ), “Đất ngọc Lục Yên” (Yên Bái), “Cội nguồn Tây Bắc,” “Sắc màu vùng cao” và " Lễ hội chân mây" Sa Pa... tạo thành vòng cung khép kín.
Du khách nước ngoài chụp ảnh đồng bảo dân tộc. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)Du lịch qua miền Tây Bắc, du khách được tìm hiểu phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống, thưởng thức những món đặc sản dân tộc độc đáo, khám phá hang động tại vùng cao Tây Bắc.

Là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi liên kết du lịch vòng cung Tây Bắc, Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng và các hoạt động phong phú đón khách.

Từ nay đến cuối năm Lào Cai tổ chức "Giải leo núi Fansipan năm 2011" vào cuối tháng 10 và "Hội chợ quốc tế biên giới Việt-Trung" vào cuối tháng 11/2011.
Nhờ những cố gắng của toàn ngành mà chín tháng của năm 2011, Lào Cai đón gần 796.000 lượt du khách, bằng 89,5% kế hoạch cả năm và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó có hơn 348.000 lượt khách quốc tế.

Doanh thu từ du lịch chín tháng đạt 1.100 tỷ đồng, vượt 22% so với kế hoạch năm và tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2010. Là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, riêng Sa Pa đã đón trên 388.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách nội địa đạt trên 308.000 lượt.

Để phấn đấu đón 890.000 lượt khách du lịch trong năm 2011, những tháng còn lại trong năm, Lào Cai sẽ tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện mang tính thương hiệu của Lào Cai, phát huy vai trò trưởng nhóm trong thực hiện thỏa thuận hợp tác liên vùng tám tỉnh Tây Bắc mở rộng, đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong phát triển kinh tế du lịch dọc hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng...

Lào Cai thuận lợi là có đầy đủ các tuyến giao thông đường sắt, bộ và thủy. Lào Cai cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đồng thời thường xuyên hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy nguồn khách du lịch giữa hai bên.

Hiện Lào Cai đang phối hợp với các trường du lịch trong và ngoài nước đào tạo theo nhu cầu của xã hội cho các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, cộng đồng các nghiệp vụ về khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, phục vụ lưu trú tại gia và du lịch cộng đồng. Đồng thời, tỉnh tăng cường xúc tiến du lịch, đẩy mạnh tổ chức các sự kiện du lịch trong chương trình du lịch cội nguồn, các hội chợ du lịch quốc tế lớn trong và ngoài nước, hướng hoạt động xúc tiến, tuyên truyền quảng bá, cung cấp thông tin cho khách một cách chuyên nghiệp.

Thực hiện chương trình quảng bá liên kết các điểm đến Sa Pa-Điện Biên-Mai Châu; quảng bá vùng Tây Bắc mở rộng tại Côn Minh và Luang Prabang (Lào); xúc tiến phát triển các tuyến du lịch liên vùng Tây Bắc mở rộng; xúc tiến phát triển liên kết tuyến Luang Prabang với các tỉnh Tây Bắc, Lào Cai, Côn Minh.

Lào Cai đang đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế phát triển du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm du lịch các tỉnh Tây Bắc giao lưu, hợp tác khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời, Lào Cai xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn du khách gắn với bảo vệ môi trường tài nguyên du lịch; khôi phục lễ hội truyền thống, văn nghệ dân tộc, tạo chương trình du lịch hấp dẫn với mục tiêu bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc, hạn chế ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.
 
Đã 20 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay, du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển mang tính “đột phá,” đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả kinh tế-xã hội ngày càng lớn và toàn diện.

Năm 1992, Lào Cai mới chỉ đón được 8.000 lượt khách, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng nhưng đến năm 2009 đã có trên 700.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 513 tỷ đồng (tăng gấp 395 lần so với năm 1992).

Giai đoạn 2001-2010, lượng khách đạt 5,307 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khách đạt 11,3%. Số lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở lưu trú lên tới trên 1.500 người.

Hiện toàn tỉnh có trên 335 cơ sở lưu trú với trên dưới 4.000 phòng. Trong đó có 20 cơ sở đạt chất lượng từ 1-4 sao với trên 600 phòng. Toàn tỉnh đã có hàng chục doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế. Hệ thống nhà hàng đặc sản, nhà hàng vườn cũng được mở rộng và phát triển. Các phương tiện vận chuyển du lịch như tàu, taxi, ôtô... ngày càng phong phú và có chất lượng cao./.
Biên tập: TITC
Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Cùng chuyên mục