Hình tượng Apsara trong kiến trúc Chăm
Trong nghệ thuật kiến trúc Chăm, bên cạnh các hình tượng thần Brahma, Visnu, Siva, Linga, Yoni... hình ảnh các vũ nữ Apsara cũng là một hình tượng khá quen thuộc mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trong các đền tháp như: Kinh đô Trà Kiệu (Quảng Nam), Tháp Dương Long (Bình Định), Tháp Bà Pogana (Nha Trang)...
Theo truyền thuyết Chămpa, tiên nữ Apsara là vũ nữ chuyên múa hát trên cõi đời do thần Indra (thần sấm sét) cai quản. Hình tượng tiên nữ Apsara được thể hiện ở nhiều bố cục khác nhau như, tiên nữ độc diễn, tiên nữ múa tập thể... Nhưng dù ở phong cách tạo hình nào thì dưới đôi tay khéo léo của những người thợ Chăm, các vũ nữ đều trở nên sinh động, linh hoạt, mang tính biểu cảm cao.
Trong hình tượng các tiên nữ múa tập thể, ở chân tháp Bánh Ít (Tuy Phước), thể hiện bốn vũ nữ trong tư thế nhảy múa, bộ ngực căng nở đầy sức sống, mỗi cánh tay thể hiện một phong thái khác nhau: tay phải chống nhẹ vào hông, tay trái giơ cao. Thân hình tròn, gọn để trần, quanh bụng quấn sampót bay ra phía sau. Mỗi vũ nữ thể hiện một tư thế, kết lại thành một băng trang trí hoàn chỉnh, đầy sức sống. Hay như bức phù điêu bằng đá sa thạch (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định) cũng thể hiện hình ảnh các vũ nữ đang hoà mình theo điệu múa thần thánh, với đầu đội mũ chóp nhọn nhiều tầng, thân hình uyển chuyển đang phô diễn cơ thể dưới lớp vải mỏng.
Hình tượng tiên nữ độc diễn cũng được tạo dáng một cách tinh tế, làm bật lên vẻ đẹp kiêu sa, thần bí của nàng vũ nữ. Ở Kinh đô Trà Kiệu hình ảnh các tiên nữ độc diễn chiếm vị trí chủ đạo, với động tác múa choãi chân ra hai bên và chùng xuống đổ dồn trọng lượng cơ thể trên đầu mũi chân, cơ thể uyển chuyển như đặt hết tâm tư vào điệu múa. Nhưng cũng có lúc là tượng nữ thần đang múa trong tư thế hai chân chùng xuống, hơi đưa mông về phía bên trái, tay trái chống hông, tay phải cầm mũi tên, tám tay phụ mọc ra phía sau lưng vũ nữ, mỗi tay cầm một đồ vật khác nhau như tù và, đoản kiếm, cánh cung, cây trượng, chuông nhỏ và chiếc giáo cũng đang uyển chuyển, nhịp nhàng trong những động tác múa khác nhau (bức phù điêu ở núi Cấm, Bình Sơn - Tây Sơn).
Điều đặc biệt, trong nghệ thuật tạo hình các vũ nữ Apsara động tác tay được điêu khắc khá tỉ mỉ và đạt tới trình độ cao. Bởi lẽ, trong nghệ thuật múa Ấn Độ và Chămpa, đôi tay là sự biểu đạt cao nhất trong việc thể hiện nội dung và phong cách của vũ điệu. Động tác tay càng khéo léo, uyển chuyển thì bài múa mới đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật biểu diễn. Điều này được thể hiện khá rõ qua các công trình kiến trúc cổ của người Chăm như là tượng vũ nữ Trà Kiệu ở thánh địa Mỹ Sơn. Ngoài ra, trong nghệ thuật tạo hình vũ nữ Apsara dường như động tác choãi chân hai bên lặp lại nhiều lần trong kiến trúc Chăm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó làm mất đi tính biểu đạt cũng như vẻ linh hoạt trong điệu múa.
Những giá trị to lớn của nghệ thuật kiến trúc Chăm cần được bảo tồn hơn nữa để những di sản ấy mãi trường tồn cùng với thời gian.