Độc đáo nghệ thuật nói lý - hát lý của người Cơ Tu
Người Cơ Tu chủ yếu tập trung ở huyện Tây giang, Đông giang và 6 xã ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với nghề nương rẫy là chính, ngoài ra còn có trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Văn hóa tộc người Cơ Tu rất đa dạng và phong phú. Ngoài các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, mừng nhà mới hay cưới hỏi, ngày hội dân ca dân vũ tân’tung, da’dă, chơi đàn abel, khèn…
Trong đời sống văn hóa tinh thần, người Cơ Tu còn có các điệu P’rá pr’ma, têng bh’noóch, tr’a (nói lý- hát lý truyền thống)... Việc sưu tầm, ghi chép thành văn loại hình này vẫn chưa được đầu tư chú trọng, chủ yếu là bằng hình thức truyền khẩu.
Nói lý- hát lý là hình thức ứng khẩu sử dụng vào mục đích sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong đời sống người Cơ Tu. Nói lý hát lý của người Cơ Tu không nhất thiết là phải dùng triết lý để mổ xẻ, phân tích một sự việc hiện tượng, mà cái lý ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này hiểu nghĩa cái kia. Vì thế nói lý hát lý luôn kích thích người nghe, giúp đối phương hiểu sâu công việc một cách cặn kẽ, chí tình và đồng cảm với nhau.
Già làng Cơlâu Nâm ở thôn Pơr-ning, huyện Tây Giang tâm sự: “Nói lý - hát lý là cả một quá trình rèn luyện, trải nghiệm, học tập, tích lũy những cái hay cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày, từ mối quan hệ giữa con người với nhau, đến thiên nhiên, địa lợi sinh cảnh quanh vùng. Từ đó giải quyết những tình huống khó nhằm đạt được hiệu quả cao giữa các cá thể.
Nói lý - hát lý được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt của người Cơ Tu. Ví như trong việc tiếp khách, người Cơ Tu gọi là h’la (có nghĩa là chủ nói một cách khiêm tốn, khâu chuẩn bị của gia đình không được chu đáo). Đáp lại khách cũng trả lời bằng câu lý hàm ý cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, trịnh trọng của gia đình. Sau đó khi hai bên đã hiểu ý của nhau thì chủ nhà mời khách nâng ly và bàn những câu chuyện tâm giao: thú rừng, chim muông, kinh nghiệm làm nương rẫy…
Hát lý bao giờ cũng sau nói lý, thường được cất lên bằng tiếng hát mở đầu: Ô ...ố ...ô a dô a choong…(lời đệm của điệu nhạc), sau đó vừa hát vừa nói lên nội dung cần bàn, cần giải quyết. Ví dụ trong việc cưới hỏi, nhà gái xin đồ bên nhà trai thường hát lý có nội dung như sau: Ô…ố…ô ...a dô a- choong chưr ha.., hi zum đâu he ắt đị đâu. Ưng đhơ cáh râu hi đhắh hi cha… đhi lớh giang ưng keét anhi ca- con tur-lum tưr- lây ma mung k’rơ liêm- kre tất làng…
Bên nhà trai nhẹ nhàng đáp lại: Ô…ố.. ô a- dô A-zây bhớc y kê… Ahe đhi leey y moon my nâu kơnh teem long cáh ma gư-đêlr, kơnh tem ưng loong ré kah ma pi lee…
Câu hát lý trong ngày cưới hỏi bên nhà gái bày tỏ lòng biết ơn vì nhà trai đã yêu thương cưới hỏi con gái mình, không phân biệt con gái mình phận nghèo, đồng thời bên nhà gái cầu chúc đôi uyên ương sống hạnh phúc, yêu thương nhau suốt đời. Nhà trai cũng bày tỏ niềm vui sướng trong ngày vu quy của hai gia đình. Và nói lên nỗi khó khăn thân phận con nhà mồ côi, nhưng hứa sẽ luôn thương yêu chung thủy với người vợ.
Nói lý - hát lý thường để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình với bạn bè, xã hội, công việc…Ở đây câu chữ mang từ ngữ ẩn ý nhằm thể hiện thành công giá trị trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hát lý cho người bề trên trọng nể thì dùng những hình tượng, hiện vật có giá trị như: con gấu đem mật quý, dược tốt cho người…(cái lý và ý ở đây là gấu - động vật quý hiếm / là cán bộ; mật: là đem chủ trương chính sách cho người dân).
Trong nghệ thuật hát lý, câu hát và đối phải tương thích nhau (Cơ Tu gọi oó la lắh, nghĩa là đừng quá lời). Ví dụ, ví cây kiền kiền thì ứng với công dụng cho nhà cao cửa rộng, hay ví quả đồi hiểu là tập thể …
Như vậy trong nói lý - hát lý muốn thể hiện hay, ý tứ sâu tài ứng khẩu, người nói lý - hát lý phải am hiểu bản chất của vấn đề người nói lý nêu lên hình ảnh gì, con vật và hiện tượng gì cho phù hợp với câu trả lời.
Nói lý - hát lý là nghệ thuật ứng khẩu mang tính đối đáp nhanh, thấu tình đạt lý, nó phức tạp sâu lắng về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung. Từ đó bắt đối phương phải suy nghĩ cân nhắc và chắt lọc để am hiểu đích thực nội dung của bên đưa lý. Nói lý - hát lý có những cách thể hiện khác nhau, ý tứ riêng của nó. Do vậy, không thể ai cũng nói lý - hát lý hay và giải thích đúng nghĩa để hiểu nhau được, từ đó cho thấy muốn nói lý hát lý đạt ở trình độ cao thì cần phải khổ luyện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm của cha ông đi trước để lại. Về cơ bản, cần tổ chức những lớp truyền giảng, ghi âm, biên soạn lại những lời hát lý hay của các thế hệ “gạo cội” để lớp trẻ nhận thức sâu sắc giá trị bảo tồn bản sắc văn hóa Cơ Tu ngày càng đa dạng.