Văn hóa truyền thống dân tộc B’râu
Làng của đồng bào B’râu, làng Đắc Mế đặt nơi gò đồi cao, có mặt bằng phù hợp để dựng làng. Ở vị trí trung tâm làng B’râu dựng ngôi nhà rông truyền thống. Nhà rông B’râu là nơi tụ hội sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí đón tiếp khách quý, điều hành việc làng, tập trung lực lượng bảo vệ làng. Các ngôi nhà của cư dân B’râu trong làng đều quay đầu hồi có cửa chính hướng về phía nhà rông như một sự quy tụ, thể hiện tín ngưỡng đối với vị trí thiêng liêng của cộng đồng.
Người B’râu ăn cơm tẻ, đồng bào thường đun nướng cơm lam trong ống tre lồ ô. Tục lệ uống rượu cần trong lễ hội, hút thuốc sợi bằng tẩu phổ biến đối với người lớn kể cả phụ nữ.
Trang phục của phụ nữ B’râu thường ở trần, hở ngực, váy quấn quanh thân mình buông dài xuống gót chân. Những năm gần đây, phụ nữ mặc áo ngắn tay đến nách. Nền trang phục có màu đen với những đường viền đỏ có hoa văn chạy ngang ôm tròn lấy cơ thể để tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Nam giới B’râu cởi trần đóng khố. Gần đây nam giới đã có thêu áo khoác ngoài ngắn tay dài thụng tới đùi có xẻ tua.
Nữ giới B’râu theo phong tục truyền thống đều căng tai. Theo quan niệm của người B’râu, bông tai hình cối càng to, dái tai càng căng dài, lỗ tai càng rỗng thì càng bộc lộ được vẻ đẹp phụ nữ. Phụ nữ B’râu còn đeo vòng cổ, vòng tay bằng đồng, bằng bạc.
Người B’râu, nam cũng như nữ khi ở tuổi mười ba, mười lăm đều theo tục lệ cà răng. Sau khi cà răng họ thường xăm mắt, xăm mình để tô vẽ cho cơ thể khác lạ theo tín ngưỡng sống cộng sinh với rừng núi chim muông.
Tục cà răng, căng tai, xăm mình là những nét văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên mang tính bản địa, cho đến nay vẫn được người B’râu bảo tồn trong cuộc sống đương đại.
Trong hôn nhân, trai gái B’râu được tự do yêu đương, tự do lựa chọn khi tìm hiểu và kết duyên. Tục lệ B’râu phải ở rể từ bốn đến năm năm. Mãn hạn ở rể nhà gái làm lễ cúng tổ tiên để con dâu về được nhà chồng. Nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn phải thực hiện phong tục luân cư bên nội bên ngoại. Khi một phía cha mẹ không còn nữa bất kể bên nội, bên ngoại thì đôi vợ chồng ấy ở lại nhà đó để trở thành trụ cột gia đình mới.
Khi trong nhà có người qua đời, đồng bào B’râu nổi chiêng trống báo tin cho cộng đồng làng biết. Người quá cố được thay áo khố hoặc váy áo mới rồi đưa ra khỏi nhà tới nhà tang dựng tạm để cử hành tang lễ. Người B’râu an táng theo hình thức thổ táng, quan tài chôn nửa nổi, nửa chìm dựng nhà mồ, trang trí bằng mặt nạ gỗ. Trước kia đám tang kéo dài hai ba ngày. Bây giờ đồng bào thực hiện việc cưới, việc tang theo quy định nếp sống văn hóa không kéo dài ngày như trước.
Lễ mừng cơm mới sau mùa vụ thu hoạch nương rẫy là lễ tết chính thức của người B’râu. Trong ngày lễ trọng, bà con dựng cây nêu soóc roóc, đặt đồ lễ bên hom giỏ tỏ ý dâng lên thần linh, trời đất, tổ tiên để cầu phúc, mừng mùa, cầu an cho gia đình, cộng đồng. Sau phần lễ là tụ hội ca hát nhảy múa, đánh cồng chiêng kéo dài tới một ngày đêm.
Đồng bào B’râu yêu văn nghệ dân gian và thích những sinh hoạt cộng đồng. Đến nay ở Đắc Mế còn lưu truyền nhiều huyền thoại truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn về các con vật mang tập tính con người. Những đêm hội, ngày lễ người già B’râu thường kể chuyện thâu đêm cho con cháu nghe.
Dân ca B’râu vẫn tiếp nối mạch nguồn, đó là hát kể chuyện xưa của người cao tuổi với thế hệ cháu con. Hát đám cưới, hát ru con là những làn điệu làm say đắm người nghe trong không gian văn hóa đậm đặc chất Trường Sơn.
Trong dân nhạc B’râu, cồng chiêng giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong mọi nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng, gia đình. Vào dịp lễ hội, chiêng được treo trên cây sào thành dàn dọc theo chiều dài nhà rông hay nhà sàn. Dàn chiêng B’râu hòa âm của cả bộ vang ngân quyến rũ bắt nhịp cho những tiết tấu của dân ca, dân vũ.
Trò chơi dân gian thả diều, đi cà kheo, đánh phết rất được trẻ em và thanh niên vui chơi lúc nhàn rỗi khi lễ hội.
Tuy số dân ít lại cư trú ở vùng xa xôi hẻo lánh nhưng dân tộc B’râu luôn cần cù sáng tạo, nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống, bảo tồn và phát triển văn hóa. Đồng bào được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ bằng các dự án đặc thù để không phai nhạt bản sắc tộc của người B’râu để kinh tế xã hội từng bước phát triển cùng với các dân tộc anh em ở Trường Sơn-Tây Nguyên.