Thừa Thiên Huế: Thu hút trên 2 triệu lượt khách đến trong Năm Du lịch Quốc gia 2012
Ông Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết,trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012, ngoài 11 chương trình văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia và quốc tế; 12 chương trình tổ chức tại các tỉnh, Thừa Thiên Huế sẽ chủ động tổ chức 9 chương trình, tập trung khai thác thế mạnh lễ hội và du lịch biển với điểm nhấn là Festival Huế 2012 (tháng 4/2012) và một số lễ hội cộng đồng như Lễ hội Phật Đản (tháng 5/2012); Lễ hội Điện Huệ Nam (tháng 8/2012). Riêng du lịch biển sẽ có một chuỗi các hoạt động xúc tiến du lịch, chào bán tour tuyến và sản phẩm gắn với đầm phá Tam Giang, biển Thuận An và vịnh đẹp thế giới Lăng Cô (tháng 5/2012).
Thưa ông, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Duyên hải Bắc Trung Bộ sẽ được gì từ Năm Du lịch Quốc gia 2012?
Thế mạnh lớn nhất của các tỉnh Duyên hải Bắc Trung Bộ là tiềm năng du lịch di sản và du lịch biển. Tại đây tập trung 6 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, bao gồm Nhã nhạc cung đình và Quần thể di tích triều Nguyễn (Thừa Thiên Huế); thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam); Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) và mới đây nhất là thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Đây cũng là khu vực có nhiều di sản văn hóa, lịch sử nổi tiếng đan xen như khu di tích làng Sen quê Bác (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… cùng nhiều lễ hội truyền thống đang được bảo lưu. Với lợi thế này, Năm Du lịch Quốc gia 2012 sẽ tập trung khai thác, xây dựng, quảng bá sâu tiềm năng và sản phẩm du lịch di sản với mục tiêu thu hút du khách, kêu gọi đầu tư và thúc đẩy hơn nữa tốc độ tăng trưởng cho mỗi tỉnh và khu vực. Riêng Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu thu hút từ 2 đến 2,5 triệu lượt khách trong năm 2012, tăng 30% so với năm 2011, trong đó khách Quốc tế đạt khoảng 1 triệu lượt, tập trung đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao.
Một trong những hạn chế lâu nay trong du lịch di sản là thiếu sự liên kết giữa các địa phuơng. Vấn đề này đã được đặt ra như thế nào trước thềm Năm Du lịch Quốc gia 2012, thưa ông?
Mới đây, một hội nghị liên kết đã được tổ chức tại Đồng Hới (Quảng Bình) gồm 6 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) để bàn giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch biển và lễ hội. Riêng ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng, trên cơ sở liên kết “Ba địa phương, một điểm đến” lâu nay, vấn đề hợp tác đang được đẩy mạnh, đi đến thống nhất chung về xúc tiến, quảng bá du lịch của ba địa phương ra nước ngoài thành một điểm đến. Ví dụ, khi Đà Nẵng tuyên truyền, quảng bá Lễ hội Pháo hoa thì phải quảng bá về Festival Huế và ngược lại… Cũng vấn đề liên kết, đến nay, chúng tôi đã làm việc với các tổ chức, liên đoàn, địa phương, chốt thời gian các chương trình và đang tiến hành công tác chào bán sản phẩm, tour, tuyến…
Với gần 30 chương trình, ông nhận định như thế nào về khả năng thu hút của Năm Du lịch Quốc gia sắp đến?
Nhìn chung, các chương trình có sự đa dạng ở các loại hình như chương trình Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ II tại Việt Nam (từ 12 đến 16/12) thu hút từ 2.000 - 2.500 ca sĩ, nhạc sĩ. Chương trình Sao Mai điểm hẹn kéo dài 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8). Một số lễ hội khác chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách như tháng Du lịch khám phá hang động Việt Nam-Quảng Bình vào tháng 6; Lễ hội Văn hóa-Du lịch Nhịp cầu xuyên Á lần III vào tháng 7; Đêm phố cổ Hội An vào tháng 9)... Riêng ba lễ hội biển do Thừa Thiên Huế tổ chức sẽ có sức hấp dẫn khác nhau. Theo đó, festival biển tại Thuận An gắn với hoạt động của khách sạn, chú trọng ẩm thực, thu hút lượng khách nội địa. Lễ hội Tam Giang sẽ tập trung khai thác loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa bản địa. Riêng lễ hội Lăng Cô sẽ tập trung giới thiệu tiềm năng, thu hút đầu tư và các dịch vụ thu hút du khách thiên về loại hình du lịch thể thao biển…
Với vai trò địa phương đăng cai, xin ông cho biết công tác chuẩn bị của Thừa Thiên Huế đến thời điểm này?
Về cơ sở vật chất, chúng ta đang tập trung đầu tư nâng cấp một số tuyến đường đến các tuyến, điểm du lịch; Nâng cấp sân bay Phú Bài; Tu bổ hệ thống di tích tại Đại Nội và một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như đình làng Dương Nổ, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu; Chỉnh trang sông Ngự Hà… Một số kịch bản lễ hội đang được chuẩn bị công phu. Đặc biệt, lần đầu tiên, những sản phẩm du lịch từ mưa Huế đang được chuẩn bị với nhiều háo hức, được tổ chức vào tháng 10/2012, hy vọng sẽ tạo được sự mới lạ. Đến nay, chương trình của Năm Du lịch Quốc gia 2012 đã được quảng bá ở hầu hết các hội chợ du lịch trong nước và tại Hội chợ lớn nhất châu Á-Hội chợ JATA (Nhật Bản). Nhiều tour tuyến trong chương trình đã được bán, chủ yếu cho khách Bắc Âu, Tây Âu và Đông Bắc Á. Với khoảng 200 khách sạn như hiện nay, có thể hoàn toàn yên tâm về việc đón, phục vụ lưu trú cho du khách trong các sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch lớn tại Huế.
Xin cảm ơn ông.