Sức hút từ du lịch sinh thái Hoà Bình
Nếu như trong năm 2010, tỉnh đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, chỉ riêng trong 9 tháng năm 2011, tỉnh ta đã đón gần 1,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 300 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2011 có khoảng gần 1,5 triệu lượt khách đến thăm quan các điểm du lịch của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 180 khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động. Ông Đinh Văn Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh khẳng định: Bên cạnh các làng, bản văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, Thái, Mông, môi trường sinh thái là điểm nhấn thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là các KBTTN, hồ sông Đà... Đặc biệt, vùng hồ sông Đà có diện tích trên 10.000 ha mặt nước với hơn 40 đảo nổi, được du khách ví như vịnh Hạ Long trên đất liền đang là tiềm năng thu hút khách du lịch đến khám phá, nghỉ dưỡng.
Du lịch sinh thái đang là địa chỉ đỏ cho du khách tìm về tỉnh. Đặc biệt là du lịch sinh thái trải nghiệm trong các KBTTN, du lịch hang động, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh suối khoáng; du lịch thể thao mạo hiểm, leo núi; du lịch bè mảng trên sông, suối; du lịch lễ hội, tâm linh và du lịch hoài niệm chiến khu xưa... Ông Ngô Trọng Thược, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch - Sở VH-TT&DL cho biết: Với những tiềm năng về du lịch, Hòa Bình đang phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu... nghiên cứu xây dựng tour du lịch trên cung đường Tây Bắc. Mới đây, một số công ty lữ hành đã về tỉnh tìm hiểu các điểm du lịch của tỉnh để xây dựng tour, tuyến du lịch. Sau khi thực tế tại tỉnh, các công ty lữ hành đều đánh giá cao về điều kiện tự nhiên, sinh thái của tỉnh có thể khai thác hiệu quả các tour du lịch trải nghiệm và du lịch mạo hiểm. Đặc biệt là các KBTTN Thượng Tiến (Kim Bôi), Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Lạc Sơn), Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu), Pu Canh (Đà Bắc) có hệ sinh thái động thực vật đa dạng, môi trường sinh thái trong lành, các bản, làng văn hóa nằm đan xen... Trong đó, tỉnh ta đã liên kết với tỉnh Thanh Hóa về nối tuyến, điểm du lịch và xây dựng chương trình du lịch khám phá KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông với KBTTN Pù Luông. Cũng tại các KBTTN này, tỉnh ta phối hợp với một số công ty lữ hành tổ chức thành công các hoạt động du lịch đi bộ, khám phá rừng nguyên sinh, leo núi, nhảy dù... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số công ty lữ hành thường xuyên đưa khách du lịch đến tỉnh như: khách quốc tế có Hà Nội tour, Bến Thành tour, Dana tour, Vietravel...; khách nội địa có các công ty lữ hành tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, một số tỉnh vùng duyên hải...
Ông Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở KH -ĐT cho biết: Trong những năm qua, Tỉnh uỷ đã có những nghị quyết và chương trình hành động nhằm thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết chuyên đề số 11/NQTU về phát triển du lịch đến năm 2015 đã tạo điều kiện để các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung phát triển hoạt động du lịch, thu hút đầu tư về du lịch. Trong đó có hơn 70 dự án du lịch đã được đăng ký với số vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đã đưa vào sử dụng thu hút đông đảo khách tham quan như: Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Kim Bôi, V-Resort, Cửu Thác, thác Thăng Thiên, trang trại Vịt cổ xanh... Với thế mạnh khai thác giá trị văn hoá dân tộc Mường phục vụ hoạt động du lịch, tỉnh đã khôi phục và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, như: lễ hội cồng chiêng Hòa Bình, lễ hội Khai hạ Mường Bi, chùa Tiên, hội đánh cá, hội đu làng Vôi, xên bản, xên Mường Mai Châu... gắn với các chương trình du lịch đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến với tỉnh ta.
Trong đầu tháng 10 vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2011. Tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để tạo động lực cho sự phát triển, UBND tỉnh có những cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Cụ thể, các dự án đầu tư vào tỉnh được miễn giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định theo quy định của pháp luật hiện hành; vay vốn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư hiện hành. Về hỗ trợ đầu tư, nhà đầu tư được cung cấp thông tin về môi trường và các chính sách đầu tư; quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và những thông tin về sơ đồ vị trí, sơ đồ mốc giới trên nền bản đồ địa hình, trích lục bản đồ dải thửa địa điểm dự kiến đầu tư dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, cung cấp thông tin, thị trường, được ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất từ chương trình khuyến nông, khuyến công và quỹ phát triển khoa học - công nghệ.
Hướng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh là giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo đảm môi trường sinh thái để tập trung khai thác du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng, tạo ra nhiều vùng, tuyến, điểm du lịch trọng điểm hấp dẫn khách. Tập trung nguồn vốn đầu tư từ chương trình hành động quốc gia về du lịch và của tỉnh để xây dựng các khu du lịch trọng điểm ở vùng hồ Hòa Bình; phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng vật chất kỹ thuật hiện đại, giữ được cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình, đưa tỉnh trở thành một trung tâm thương mại - du lịch ở khu vực Tây Bắc. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế phát triển du lịch; tạo điều kiện cho các DN làm du lịch các tỉnh Tây Bắc giao lưu, hợp tác khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn du khách gắn với BVMT tài nguyên du lịch; khôi phục lễ hội truyền thống, văn nghệ dân tộc, tạo chương trình du lịch hấp dẫn với mục tiêu bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc, hạn chế ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.