Bà Rịa - Vũng Tàu: Sức hút từ tour đồng quê
Hấp dẫn khách ngoại
Ông Lê Kim Mỹ, trưởng phòng hành chính Công ty du lịch Tân Hồng (TP.Hồ Chí Minh), đơn vị thường xuyên đưa khách quốc tế đi tàu biển tham quan BR-VT cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, mỗi tháng trung bình Công ty du lịch Tân Hồng đón khoảng 7.000 khách tàu biển, trong đó khoảng 1/3 số khách đăng ký tour mua sắm tại siêu thị Co.op Mart (TX.Bà Rịa), tour đồng quê kết hợp tham quan một vài địa danh ở TP.Vũng Tàu. “Hầu hết khách tàu biển đến BR-VT đều đã về hưu và sinh sống ở các đô thị công nghiệp sầm uất, nên họ rất thích tìm đến các vùng thôn quê để thăm thú cảnh quan, tìm hiểu sinh hoạt của người nông dân. Nắm bắt nhu cầu này, tour đồng quê tại BR-VT được Tân Hồng thiết kế dựa trên các tiêu chí: dân dã, gắn với truyền thống và nêu bật được đặc trưng trong văn hóa, sinh hoạt của người dân”, ông Mỹ nói.
Theo đó, điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tour là đình Phước Lễ (TX. Bà Rịa). Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu đặc trưng trong kiến trúc, nếp sống cộng đồng của người dân Đông Nam bộ xưa. Kế đến là chợ Hòa Long, nhà cổ, quy trình nấu rượu Hòa Long, tham quan nhà vườn, thưởng thức trái cây, uống nước dừa, tìm hiểu và tự tay làm thử bánh tráng… Tại mỗi điểm đến, hướng dẫn viên (HDV) đều tranh thủ giới thiệu cho du khách rõ hơn về các mối quan hệ trong từng gia đình cũng như những vật dụng trang trí, cách bày trí trong các gia đình của vùng nông thôn Việt Nam nói chung, của người dân Nam bộ nói riêng. Nếm thử rượu Hòa Long với trái cóc xanh chấm muối ớt vừa mua từ chợ Hòa Long, bà Rhonda Cooper (đến từ Úc) thích thú chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có một lò chuyên sản xuất rượu nho tại Úc. Nhưng chúng tôi chỉ dùng với thức ăn hoặc trong các bữa tiệc. Đây là lần đầu tiên tôi uống rượu với trái cây. Độ nồng của rượu kết hợp vị chua cay của cóc chấm muối ớt rất lạ”.
Ông Khổng Quốc Thuấn, nhiều năm liền hướng dẫn khách quốc tế cho biết, các điểm đến trong tour đồng quê tại BR-VT tuy không mới nhưng hầu hết du khách đều thích thú. Sau khi về nước, nhiều người còn viết bài bày tỏ cảm xúc, đăng hình ảnh giới thiệu cho bạn bè về các điểm đến trong tour đồng quê tại BR-VT trên mạng.
Chưa thu được hầu bao của du khách
Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty du ngoạn Việt, đơn vị hợp tác với Công ty du lịch Tân Hồng đón khách tàu biển tại hệ thống các cảng ở BR-VT, việc thiếu cảng chuyên dụng cho tàu du lịch và các dịch vụ hậu cần phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí, ăn uống tại cảng là yếu tố hạn chế khả năng chi tiêu của du khách. “Ngoài khách du lịch, số thủy thủ, thuyền viên mỗi tàu cũng gần 1.000 người. Sau khi cập cảng cho khách đi tham quan, họ chỉ biết loanh quanh trên tàu đợi hết giờ rồi nhổ neo đi bến mới mà không có cơ hội tiêu tiền”, ông Phan Xuân Anh nói.
Việc hạn chế về ngoại ngữ, không được đào tạo cách tiếp thị, bán hàng cũng là yếu tố khiến du khách không chịu chi. Ông Khổng Quốc Thuấn cho biết, từ năm 1994, chợ Hòa Long, nhà làm bánh tráng, vườn trái cây nhà anh Vũ Đình Lễ (Hòa Long), cơ sở nấu rượu chị Lợi (Long Phước) được các đơn vị lữ hành quốc tế lựa chọn là những điểm tham quan thường xuyên cho du khách quốc tế, nhưng những người bán hàng đều không biết ngoại ngữ nên muốn tiếp thị, giới thiệu hàng hóa, nghe khách trả giá cũng khó. “Đặc trưng của khách tàu biển là họ chỉ mua sắm được những thứ gọn nhẹ để làm quà tặng cho người thân. Ngoài ra, họ cũng thích thưởng thức các loại trái cây, đặc sản địa phương nhưng không được giới thiệu, cho nếm thử... nên hầu như khi vào chợ Hòa Long họ chỉ đi tham quan là chủ yếu”- ông Thuấn chia sẻ.
Du lịch đồng quê là loại hình du lịch thân thiện với môi trường, hiện đang được rất nhiều du khách quốc tế lựa chọn. Thiết nghĩ, nếu được quan tâm đầu tư thêm nhiều tuyến điểm, cơ sở hạ tầng, kết nối tour tuyến, chú trọng đào tạo văn hóa kinh doanh du lịch… cho cộng đồng, loại hình du lịch này sẽ phát huy hiệu quả nâng tỷ trọng khách quốc tế trong cơ cấu khách du lịch của BR-VT.