Truyền thuyết bà chúa ca trù và hậu duệ tâm huyết
Bà Chúa ca trù
Chuyện xưa kể rằng, vào những năm cuối của thế kỷ XVII, vua Lê Chính Hoà, trong một lần đi kinh lý các xã thuộc Phủ Hoài Đức, khi đi qua cánh đồng làng Đại Phú, nay thuộc xã Thượng Mỗ , nhà vua bất chợt nghe tiếng hát trong trẻo, có giai điệu hết sức lạ cất lên từ ruộng lúa trĩu bông đang chờ ngày thu hoạch:
“ Tay cầm bán nguyệt thênh thang
Hàng trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta...”
Tiếng hát của người con gái đầy ẩn ý, mượt mà trong sáng đến nỗi nhà vua không nén nổi lòng mình, sai quân dừng kiệu. Vua Lê Chính Hòa yêu cầu đích thân quan Thượng thư Bộ Lễ xuống tận ruộng lúa mời cô thôn nữ đến bên kiệu xem mặt. Sau ba ngày kinh lý, về đến Phủ Hoài Đức, vua lệnh cho các quan chuẩn bị lễ vật, mang kiệu về làng Đại Phú đón người con gái đó về làm vợ, sắc phong là Đệ nhị cung phi. Người con gái ấy chính là bà Nguyễn Duy Thị Hồng, bà chúa của những điệu ca trù vùng quê Thượng Mỗ.
Tưởng chừng mai một
Cũng giống như một số loại hình nghệ thuật cổ truyền khác, theo năm tháng, tiếng hát ca trù ở vùng quê Thượng Mỗ dần đi vào quên lãng. Theo ông Đặng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ: toàn xã có 1.700 hộ với gần 7.700 nhân khẩu nhưng đến nay, chỉ còn lại một số người dòng họ Nguyễn Duy, hậu duệ của bà chúa ca trù còn duy trì truyền thống của tổ tiên. Con cháu dòng họ Nguyễn Duy, thừa hưởng thiên phú nghệ thuật của tổ tiên để lại: hát hay, tiếng đàn, tiếng phách giỏi giang, điêu luyện, sở hữu nhiều huy chương trong các cuộc thi từ trung ương đến địa phương, nhưng họ vẫn không thể sống đàng hoàng được bằng ca trù.
Chúng tôi về Thượng Mỗ dự buổi sinh hoạt của câu lạc bộ ca trù. Một cảm giác mất mát, bâng khuâng khó tả khi chứng kiến người đánh đàn và trống chầu vốn là việc của đàn ông được đóng thế bởi người phụ nữ đứng tuổi. Mọi người giải thích: “Ông Sách, người chơi đàn cự phách bị liệt từ đầu năm, thằng con ông ấy đánh đàn hay, cầm chầu cũng giỏi nhưng mới đi xuất khẩu lao động nước ngoài”.
Theo lời ông Bí thư đảng ủy xã : “Cùng với chèo Tầu Tân Hội, Hội Diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian của Đan Phượng. Ca trù xuất hiện tại vùng đất này từ thế kỷ 17 đến giờ vẫn duy trì được là điều tự hào và cần gìn giữ, phát huy. Hơn nữa, xuất phát từ nghị quyết trung ương về bảo tồn văn hóa dân tộc, Đảng bộ chính quyền địa phương luôn có ý thức quan tâm, bảo vệ bản sắc văn hóa của địa phương”.
Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ để ca trù trở lại như nó đã từng tỏa sáng một thời trong quá khứ. Và cứ thế, ca trù bất lực trôi theo dòng chảy thời gian và cơn lốc kinh tế thị trường .
Những ai yêu mến ca trù đều hiểu rõ, đây là bộ môn nghệ thuật rất kén người hát. Tinh tuý ca trù tập trung vào âm thanh. Tiếng phách, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống hoà quyện vào nhau, tạo nên thứ âm thanh như "ngọc sáng lung linh”... Con người trong xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả và gấp gáp liệu có đủ thời gian ngồi thưởng thức từng giai điệu nhẩn nha, nhả từng lời, từng chữ? Phải chăng đó cũng là nguyên nhân góp phần làm ca trù ngày càng mai một.
Hậu duệ tâm huyết đời thứ bảy
May sao, trong sự mai một ấy vẫn còn lớp hậu duệ của bà chúa ca trù âm thầm giữ gìn di sản của quê hương cũng như dòng họ. Điển hình là bà Nguyễn Thị Tam, Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ. Bà là con gái của ca nương nổi tiếng khắp vùng những năm 40 của thế kỷ 20, cụ Nguyễn Thị Chản. Cụ Chản vinh dự được công nhận là nghệ nhân dân gian hai năm trước khi mất.
Cụ Chản sinh được sáu người con, bốn gái, hai trai, nhưng có lẽ bà Tam là người sắc nước và có giọng hát hơn cả. Lên tám, lên mười, bà Tam đã được theo chân phường hát của gia đình đi hát khắp nơi. Càng lớn, bà Tam càng bộc lộ tố chất của một ca nương, ngày đêm say mê với nhịp phách, cung đàn. Thấy vậy, cụ Chản dồn hết tâm sức truyền lại cho con gái bí quyết nghề nghiệp từ cách nhấn giọng, lấy hơi, nhả chữ đến cách cầm phách, chơi đàn.
Tuy nhiên bà Tam vẫn khiêm tốn và thật thà cho biết: “Mẹ tôi thuộc 100 điệu ca trù thì tôi chỉ mới lĩnh hội được 50 điệu. Lớn lên đi lấy chồng, mải vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Hơn nữa, ca trù từng có thời gian dài bị quên lãng, tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội học từ mẹ mình. Giá mà mẹ tôi còn sống…”
Chồng bà đã mất từ lâu. Hai người con trai thành đạt và có địa vị tại thủ đô Hà Nội. Nhiều lúc thấy mẹ thui thủi ở nhà với căn nhà rộng thênh thang, chỉ có mấy con mèo, con chó, đàn gà làm bầu bạn, họ đã nhiều lần mời mẹ ra ở với mình. Thương con cháu không có người giúp đỡ trông nom, nhưng bà Tam đành gạt nước mắt: “Các con hãy hiểu cho lòng mẹ. Nếu mẹ chỉ lo sự sung sướng cho riêng mình, có nghĩa ca trù Thượng Mỗ sẽ chấm dứt ở đây. Mẹ sẽ có tội với tổ tiên, phụ lòng với cha mẹ” .
Đồng cảm với trăn trở và tâm huyết của mẹ, hai người con trai đã vâng theo ý nguyện của mẹ mình. Họ biết rằng người mẹ không hề cô đơn khi tối nào căn nhà nhỏ cũng tràn ngập tiếng trống, tiếng phách tre rộn rã và những lời ca, điệu hát xênh xang.
Và tâm nguyện cuối cùng
Đông vui nhất vẫn là hai tối cuối tuần, 12-15 em học sinh độ tuổi từ 8-20 lại đến để bà Tam dạy hát. Có điều lạ là bà Tam trong cuộc nói chuyện, phải chú ý lắng nghe lắm mới có thể lĩnh hội hết ý của người đối diện, bà bị lãng tai. Vậy mà chỉ cần học trò hát sai một câu, đánh sai một phách, chơi sai một nốt đàn là bà phát hiện và chỉnh ngay.
Được các con “trợ cấp”, bà Tam dành dụm cộng với tiền lương hưu không ăn tiêu riêng để mua sắm quần áo, đạo cụ cho học trò, thi thoảng có ít bánh kẹo gọi là động viên lũ trẻ.
Giờ CLB ca trù của xã đã có hơn hai chục thành viên tham gia. Bọn trẻ trong làng nghe bà Tam rủ rỉ, dần dần tìm đến học khá đông. “Tôi biết nhiều ca nương nổi tiếng khi dạy học sinh thường giữ bí quyết, tôi thì khác. Học từ mẹ thế nào, tôi truyền lại cho các cháu như thế”. Có thể vì sự chân thành và nhiệt tình của bà Tam mà dần dần lớp học của bà ngày càng thu hút các em.
Nguyễn Thị Thanh Dung, 12 tuổi, học lớp sáu, nhưng em đã theo học được ba năm, nhỏ nhẹ cho biết: “Học ca trù khó lắm, ba năm học nhưng em mới hát được hai bài Hồng hồng, tuyết tuyết và Sơn thủy hữu tình. Bà Tam nhiệt tình dạy bảo nên chúng em không bao giờ phụ công dạy dỗ của bà. Nhờ học bà mà chúng em được đi nhiều nơi biểu diễn. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành ca nương”.
Thời gian rảnh rỗi, bà Tam lại tìm tới nhà ông Sách, anh ruột của mình để hát cho anh nghe. Những lúc ấy, ông Sách lại bảo em lấy cho mình chiếc đàn đáy cổ được truyền từ thời bà tổ để lại. Tay run run vuốt ve từng sợi dây đàn, ông rưng rưng: : “Coi như tôi đã bỏ đi rồi. Nhớ tiếng đàn, tiếng phách, buồn lắm. Bây giờ chỉ còn trông mong vào bà Tam, bà ấy sẽ truyền lại hồn cốt của tổ tiên cho bọn trẻ”.
Mấy chục năm rồi, ngày nào cũng vậy, cứ cuối chiều nhập nhoạng, bà Tam lại ra chùa, ra đền thắp nhang, dâng cháo, rồi lại ra đình thắp hương. Chính tại sân đình này, xưa kia, sau khi đi suốt ba tháng giêng hát hội, gánh hát của gia đình bà mới trở về thắp nhang lên tổ tiên và hát phục vụ dân làng.
Bà Tam bảo ra đình chùa thắp hương để tìm sự thanh thản trong tâm hồn cũng như mong tổ tiên truyền cho bà thêm sức mạnh để bà làm tròn tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời: gìn giữ vốn quý của dân tộc đến muôn đời.