Về nơi đầu nguồn sông Tiên (Quảng Nam) thơ mộng, hiền hòa
Sông Tiên nước chảy ngược dòng
Ai chưa đến đó cho lòng vấn vương
Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, thẳng hướng tỉnh lộ 616 về hướng Tây theo tuyến đường Tam Kỳ-Trà My khoảng 35km là đến UBND xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), đi khoảng 500m nữa sẽ đến một con đường bê-tông. Từ đây thả bộ dọc theo con đường bê-tông rợp bóng tre râm mát, nghe ríu rít tiếng chim muông vui hót hai bên đường, bắt gặp những nụ cười thân thiện làm quen của những người dân quê mến khách; mọi mệt nhọc, nóng bức, ngột ngạt của chuyến đi sẽ bỗng chốc tan biến theo những cơn gió ngan ngát mùi hương đồng nội mơn man theo những bước chân.
Con đường bê-tông uốn lượn, chạy dài băng qua những ruộng lúa xanh mơn mởn, những triền bắp ngút ngàn. Đi đến hết cuối con đường, chúng tôi như lạc vào một ngôi làng của đá – loại đá phong vuông vức một cách tự nhiên hiện diện ở khắp nơi. Đá lát đường, đá làm hàng rào bao quanh nhà, đá được sắp thành các bờ tường thẳng tắp che mưa che nắng... Và điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những ngõ đá dài thoai thoải dốc được xếp bằng những viên đá phẳng phiu.
Người dân nơi đây bỏ công, bỏ sức chăm chút cho từng viên đá; cầu kỳ cắt tỉa những bụi chè tàu để tạo nên một kiến trúc rất dân dã nhưng vô cùng độc đáo. Hai bên lối vào, những hàng cau thẳng tắp tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt không lẫn vào đâu được của miền trung du Tiên Phước.
Ngõ đá ở đây như là một biểu trưng văn hóa đặc sắc, là cái hồn của làng quê yên ả, thanh bình. Dẫu chỉ mới lần đầu đặt chân lên những ngõ đá đầy rêu phong nhưng chúng tôi vẫn nhận ra được cái tinh tươm, duyên dáng từ những viên đá lớn nhỏ đủ dạng hình được kè chất lên nhau như một sự gắn kết tuyệt vời, chỉ thế thôi nhưng chúng tôi thấy lòng mình khoan khoái, bình yên một cách lạ thường. Đối với những người dân nơi đây, ngõ đá từ bao đời nay đã trở thành nỗi yêu, niềm nhớ và là niềm tự hào của họ về quê hương xứ sở dù cho nơi đây vẫn còn nghèo khó:
Có duyên lấy đặng chồng nguồn
Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui...
Đi trên những con ngõ đá thoải dài rợp bóng cây tre, những bước chân chúng tôi như bị níu lại bởi những sắc hương mà ngàn cây từ vườn nhà và rừng xa gửi đến, nào là trầm hương, quế, hồ tiêu, cau, chè, mít, dâu đất... mà thiên nhiên đã ưu ái riêng cho vùng đất xứ Tiên này.
Chia tay với những ngõ đá, chúng tôi theo đường mòn băng qua những ruộng lúa mơn mởn xanh để đến nơi đầu nguồn con sông Tiên thơ mộng. Và rồi nơi đầu sông Tiên cũng lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi với những bãi đá dường như vô tận mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng này ở hai khúc sông Đá Dăng và Lò Thung. Đá ở đây không biết cơ man nào kể xiết, với đủ loại kích cỡ, màu sắc. Đá xếp chồng lên nhau, đá rải rác giăng đầy cả khúc sông.
Bên dưới những bãi đá, dòng sông rầm rì chảy ngược về phía Tây rồi hòa mình vào dòng sông Gianh chảy xuôi ra biển. Những tảng đá ở đây theo thời gian và sự bào mòn không ngừng nghỉ của dòng nước lúc hung dữ, lúc hiền hòa tạo nên những hình thù kỳ quái, những lỗ to tròn đến ngạc nhiên như ai đó bỏ công đục đẽo. Có những tảng đá nặng hàng tấn nhưng phẳng lì...
Người dân nơi đây chỉ cho chúng tôi những tảng đá có tên “bàn chân khổng lồ”, “cối trời”, “bàn tiên”... mà họ đã dựa hình thù của chúng để đặt tên. Chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một chốn bồng lai, tiên cảnh nào đó (có phải vì vậy, mà xã này có tên là Tiên Cảnh?).
Chúng tôi bì bõm lội ngược theo dòng nước trong xanh mát lạnh, nhún nhảy trên những phiến đá nóng bỏng đến rát cả bàn chân hay nín thở, tập trung cao độ đi qua những cây cầu dừa bắc vắt vẻo giữa hai mỏm đá ở những khúc sông rộng, nước sâu... Đã quá trưa, mặt trời sắp đứng bóng, chúng tôi tạt vào nhà một người dân mến khách gần đấy, nhấm nháp ca nước chè xanh đậm đặc và thưởng thức món cháo gà mang đậm những hương vị riêng biệt của vùng quê nơi đầu nguồn con sông Tiên này.