Các vườn chim tự nhiên ở Nam Bộ luôn hấp dẫn du khách
Tràm chim Ðồng Tháp
Tràm Chim Ðồng Tháp thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp được cả thế giới biết đến nhờ loại sếu đầu đỏ, một giống sếu quý hiếm còn rất ít trên hành tinh chúng ta.
Tràm Chim nằm trong vùng đồng chua phèn mặn với diện tích chừng 7.612 ha. Thảm thực vật ở đây có hơn 130 loại, có cả nghìn ha lúa mạn, cỏ năn, là nơi cư ngụ của hơn 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá, 147 loài chim quý mà quý nhất là sếu.
Năm 1989, sếu đầu đỏ được phát hiện tại Tràm Chim. Sếu chính là vị đại sứ của môi sinh, nơi nào có môi trường sinh thái cân bằng, nhất là ở vùng thiên nhiên đất ngập nước như Tràm Chim thì sếu sẽ về.
Năm 1985, khi người Tam Nông - Ðồng Tháp phát hiện ra sự có mặt của loại sếu đầu đỏ thì một cuộc hội thảo quốc tế tại Trung Quốc sau đó đặt vấn đề phải hợp tác bảo vệ sếu, bảo vệ Tràm Chim. Sếu đầu đỏ Tràm Chim được gắn máy định vị vào lưng để theo dõi qua vệ tinh nơi cư trú của đàn sếu sau khi rời khỏi Tràm Chim. Không phải đến hôm nay việc khôi phục hệ sinh thái ở Tràm Chim và đàn sếu về đây mới được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Trước đây, các chuyên gia ở Hội bảo vệ hạc thế giới và Hội nghiên cứu chim Nhật Bản cũng đã nhiều lần đến thăm Tràm Chim.
Tháng 02/1994, Tràm Chim đã được Nhà nước ta chính thức quyết định "là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia". Ngày nay, Tràm Chim là khu du lịch sinh thái, trong đó mọi gia đình đều có thể làm dịch vụ du lịch, đồng thời được hướng dẫn, phổ biến kiến thức khoa học và luật pháp để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ khu bảo tồn.
Thị trấn Tràm Chim cũng là trung tâm hành chính của làng du lịch, nơi gặp gỡ và tiếp đón du khách đến thăm Tràm Chim. Khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim tỉnh Ðồng Tháp, ngoài ý nghĩa về kinh tế còn có ý nghĩa rất lớn về giá trị khoa học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, văn hóa, lịch sử, không chỉ ở Ðồng Tháp mà còn đối với đồng bằng sông Cửu Long nữa.
Vườn cò Bằng Lăng
Vườn cò Bằng Lăng tọa lạc tại ấp Thới An, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ do gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiền làm chủ. Năm 1983, một đàn cò đông hàng trăm con chẳng biết từ đâu bay về đây sinh sống ở một góc vườn. Ðây là loài có mình đen, cánh trắng rất đẹp. Cò ngà mỏ vàng, cò quắm, cò cá mỏ đen chuyên bắt cá, thường "ở cữ" từ tháng tám cho đến tháng giêng âm lịch. Cò rằn, cò xanh, cò mồi mỏ vàng thích đậu trên lưng trâu ăn mồi nên còn gọi là cò trâu, ngoài ra chúng còn ăn cả sâu keo, chuồn chuồn. Cò ráng mầu đỏ giống như ánh sáng của ráng chiều lúc hoàng hôn. Cò lép, cò đùm nhỏ nhất, toàn thân mầu đen, ngực có đốm trắng.
Hiện nay, vườn cò Bằng Lăng là nơi hội tụ của hơn một nghìn con cò, riêng số cò lớn thì không thể nào đếm được. Ðó là chưa kể các loài chim khác đến làm bạn và sống chung với cò như loại cồng cộc chân vịt, thân đen thui, mỗi con nặng cả tạ; chim bạc má to con, chân cao hơn chân cò; chim điên điển thân đen, chân cò, mỏ cò, nhưng to hơn cả cồng cộc.
Mỗi ổ cò có 4 trứng, nở đủ bốn con và tổ thường nằm tận ngọn cây bạch đàn. Loại cồng cộc đẻ mỗi lần 3 trứng nở đủ ba con. Nếu phát hiện có hơi tay người trong ổ là cò bỏ đi, kể như ổ đó hư cả.
Hiện nay, vườn cỏ Bằng Lăng là nơi tham quan du lịch lý thú được khách trong nước và nước ngoài quan tâm.
Vườn chim Bạc Liêu
Nằm cách trung tâm thị xã Bạc Liêu chừng 5 km đường bộ là vườn chim Bạc Liêu, có diện tích 107 ha, trong đó có
50 ha rừng ngập mặn. Vườn chim Bạc Liêu rất phong phú về chủng loại với gần 40 loài chim hội tụ sinh sống như cò trắng, cò xanh, cồng cộc, diệc, điên điển, giang sen, cò quắm, vạc và có nhiều giống chim lạ chưa xác định được tên. Chúng chen nhau làm tổ trong những vạc rừng rậm rạp và cỏ dại chằng chịt. Mùa mưa là mùa chim về đây hội tụ sinh sống, đến mùa khô đồng ruộng nứt nẻ, nguồn nước cạn kiệt thì chúng kéo nhau di trú nơi khác để sống.
Vườn chim Bạc Liêu là một quần thể thực vật đa dạng và phong phú, cao to như loại cây lâm vồ đến những loại cây tạp như chà là, cóc, tra, đan xen tạo thành môi trường thích hợp cho các loài chim cò về đây trú ngụ và sinh sản. Vào lúc hoàng hôn, chim cò kéo nhau về ngủ, đậu san sát thành nhiều tầng trông như một tấm thảm khổng lồ mầu đen phủ lên các ngọn cây...
Sân chim Bến Tre
Sân chim Vàm Hồ ở Cù lao Lá, tỉnh Bến Tre cũng là khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn. Khách đến tham quan phải theo đường sông là thuận tiện nhất.
Từ thành phố Mỹ Tho, đi thuyền máy qua Bến Tre, khi đến Châu Thành, theo con rạch dẫn vào sông Ba Lai, từ đó xuôi dòng chỉ mất hai giờ đồng hồ thì đến nơi.
Tại sân chim Vàm Hồ, du khách sẽ được nhân viên bảo vệ hướng dẫn đi thăm các nơi, sẽ được nhìn toàn cảnh sân chim khi leo lên dàn tháp bằng gỗ thật cao trông như một đài quan sát. Trước mắt du khách là đàn chim cò bay lượn tự nhiên. Tại đây, du khách càng thấy thích thú được sống chan hòa trong thế giới âm thanh của các loài chim: chim cha, chim mẹ, chim con mới nở, chim mới ra ràng, chim tập chuyền... tất cả như một bản hòa tấu vô vàn âm sắc.
Vườn cò Long Thạnh Mỹ
Vườn cò này nằm ở ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, thuộc quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, gần thượng nguồn sông Tắc, cạnh ngã ba Vàm Trao Trảo với nhánh sông Gò Công. Xưa kia, đây là gò đất cao có nhiều đàn chim công đến cư trú. Nay thì đàn cò đến ở cả nghìn con.
Vườn cò này rộng gần 3 ha, do anh Nguyễn Văn Ký làm chủ. Cò ở đây có nhiều loại như cò mình đen cánh trắng, cò trắng mỏ vàng, cò trắng mỏ đen, cánh đốm đen, cò trắng mỏ vàng có cổ đốm vàng, cò xanh, cò cá, cò quắm... Hằng năm, cứ vào khoảng tháng năm, tháng sáu âm lịch (tức đầu mùa mưa) là cò đi nơi khác sinh đẻ, mãi cho đến tháng chín âm lịch mới trở về và kéo theo cả đàn cò con. Ðể giữ được đàn cò, anh Ký phải tổ chức canh gác ban đêm để phòng bọn săn bắt trộm.