Viện Hải dương học Nha Trang - Điểm tham quan lý thú
Quy mô ban đầu của Viện rộng đến 20ha, kéo dài từ phía bắc Cảng Nha Trang lên tới Khu Du lịch Lầu Bảo Đại. Đây là vị trí tối ưu được lựa chọn để xây dựng một viện nghiên cứu đại dương ở Đông Dương. Bởi vì biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa thuộc loại sâu nhất ở Việt Nam, cách hải phận quốc tế không xa.
Đây lại là nơi gặp gỡ của hai dòng hải lưu nóng - lạnh, một từ phương bắc xuống và một từ xích đạo ngược lên đã tạo nên một chế độ biển miền nhiệt đới thật ưu việt cho nhiều tầng, nhiều lớp từ mặt nước đến cực sâu để các loài sinh vật biển định cư và sinh sống. Trong đó, đặc biệt phát triển các rạn san hô cùng hệ sinh vật sống cộng sinh, nhất là các loài cá cảnh đủ màu sắc và hình dạng.
Những hệ động, thực vật phát triển ở vùng biển Khánh Hòa thường không đầy đủ ở các vùng biển khác của Việt Nam, thậm chí vắng mặt hẳn nhiều loài quan trọng. Hơn 80 năm hoạt động, Viện đã đóng góp nhiều thành tựu trong nghiên cứu biển nhiệt đới phục vụ cho phát triển ngành thủy sản biển trong nước và thế giới. Cùng với các tòa nhà cũ, Viện cũng được đầu tư xây thêm một số tòa nhà mới cùng thiết bị thí nghiệm hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu mang lại hiệu quả cao.
Đến thăm nơi này, du khách không thể không thăm Viện Bảo tàng Hải dương học Việt Nam, một hệ thống không thể tách rời của Viện Hải dương học. Tại tòa nhà chính, trên đó có những phòng trưng bày về lịch sử phát triển của Viện, những công trình ngiên cứu, những thiết bị máy móc đã sử dụng qua các thời kỳ cùng lịch sử ngành đánh bắt hải sản Việt Nam.
Viện Bảo tàng Hải dương học cũng lưu giữ khoảng 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và động thực vật trong các ao, hồ nước ngọt (bao gồm cả Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Biển Hồ Campuchia). Đây là nơi lưu trữ một tập hợp mẫu vật lớn nhất Việt Nam, có tầm cỡ ở khu vực và là kết quả dày công nghiên cứu, tìm kiếm của Viện Hải dương học trong suốt quá trình hoạt động. Cách bài trí mẫu vật hết sức khoa học với lớp lớp những loài, những loại, hoặc để trần, hoặc ngâm trong những bình foóc-môn theo từng cá thể có ghi rõ tên khoa học cùng tên thường dùng của chúng.
Riêng tảo biển có đến hơn nghìn loại gồm tảo kim, tảo xanh lam, tảo đỏ, tảo silic... Rồi các loại rong biển có giá trị dược phẩm, thực phẩm đến thực vật bậc cao sống trong rừng ngập mặn. Động vật nguyên thủy thì có các đại diện của nguyên sinh vật, xoang tràng, hải miên, san hô... muôn hình, vạn trạng. Nhóm giáp xác cao có chừng 1.600 loài, đáng chú ý là tôm he, tôm hùm, cua Quan Công, cua Huỳnh Đế. Hiện còn có con cua khổng lồ lưu trong bảo tàng mà sải chân dài đến 1,2m.
Trong gian trưng bày riêng của bảo tàng, ta còn gặp đại diện của cá heo và cá mập trắng nhồi bông. Nhất là bộ xương của cá voi lưng gù được nhân dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khai quật ngày 18 tháng 12 năm 1994 dưới độ sâu 1,2m và cách biển 4km theo đường chim bay. Bộ xương dài 18m, cao 3m, nặng tới 10 tấn với đầy đủ 48 đốt cột sống được phục chế.
Cũng ở đây có nguyên mẫu của con bò biển nặng 400kg, dài 2,75m do ngư dân xã Gành Dầu, đảo Phú Quốc bắt được năm 2004. Bò biển hay còn gọi là mỹ nhân ngư (cá mỹ nhân) là loại động vật có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa. Bò biển là loài ăn cỏ, mang thai trong vòng 18 tháng và chỉ đẻ 1 con. Nó bơi lội dưới nước với vận tốc lớn nhất 18km/h, nín thở được trên 8 phút và có thể thọ đến 70 năm tuổi. Nghe nói hiện nay chỉ còn khoảng 100 con bò biển đang sinh sống trong các đại dương. Phía ngoài theo lối đi vào, ta còn được ngắm nhìn các loài thủy sản biển nuôi trong bể lớn và bể kính như: cá mập, rùa biển, rắn biển, các loài nhuyễn thể…
Cùng với thăm Viện Hải dương học, khi đến Nha Trang, du khách có thể thăm hồ cá trên đảo Tri Nguyên, thủy cung nơi Hòn Ngọc Việt và nhất là làng Chài. Không chỉ được nghe, được nhìn mà có thể mua các đặc sản biển, thưởng thức món ăn chế biến từ các loài cá, nhuyễn thể, giáp xác. Viện Hải dương học và Bảo tàng Hải dương học chắc chắn sẽ cung cấp cho khách thăm nhiều kiến thức bổ ích về biển Việt Nam.