“Vương quốc tỏi” Lý Sơn (Quảng Ngãi)
Đảo Lý Sơn có diện tích gần 10km², trên 20 ngàn dân, 350 tàu thuyền, 2.500 ngư dân đánh bắt xa bờ. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa đã tắt từ thời tiền sử.
Năm 1604, có tám vị tiền hiền trong đất liền ra khai phá đảo. Hiện được nhân dân trên đảo lập đền thờ gọi là “Bát tổ”. Trên đảo có rất nhiều đình, miếu mang dấu tích cổ xưa do ít bị chiến tranh tàn phá: chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, Âm linh tự.
Thấp thoáng trong xóm làng là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Tại các nhà thờ họ còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Sa Huỳnh Ðại Việt, di chỉ văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá Chăm, đồ gốm, hài cốt người cổ có niên đại cách đây 2 – 3 ngàn năm.
Lý Sơn không có ruộng lúa. Nông dân canh tác trên 550 hecta hành, tỏi. Sản lượng 3.500 tấn/năm.
Tỏi Lý Sơn có chất lượng thơm ngon nhất Việt Nam nên từng được ví là “vương quốc tỏi”. Cánh đồng tỏi Lý Sơn giống như một bức thảm xanh trên đảo.
Nhiều hoạt động văn hoá trên đất liền bị mai một, thì ngoài đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ như: lễ hội đua thuyền tứ linh, các lễ tín ngưỡng dân gian theo mùa, tục thờ cá ông, các điệu hò, chèo, đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 16 tháng 3 âm lịch.