Lào Cai: Bảo tồn di sản văn hóa nhân Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11
Đa dạng các loại hình văn hóa phi vật thể
Theo kết quả điều tra cơ bản, hiện nay, song song với hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh, Lào Cai có hàng trăm lễ hội cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể khác nhau, bao gồm: ngữ văn dân gian (gồm có: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt bằng lời khác); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm: âm nhạc, múa hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (bao gồm: luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (bao gồm: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống… Những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong quảng bá hình ảnh quê hương Lào Cai, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư.
Do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng truyền khẩu. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh; cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện… đã tác động đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân làm cho văn hóa phi vật thể đang mai một dần. Do vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể là một yêu cầu cấp thiết. Thực tế cho thấy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Lào Cai chưa được như mong muốn. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; công tác nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu và còn phiến diện. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống.
Chú trọng bảo tồn từ cơ sở
Đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, những năm qua, nhất là từ năm 1998, khi có Nghị quyết Trung ương 5 đến nay, Lào Cai đã tích cực triển khai công tác bảo tồn di sản văn hóa, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, coi di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý báu, là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Lào Cai. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện Đề án "Phát triển văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010". Theo đó, các di sản văn hoá dân tộc Lào Cai đã được bảo tồn, phát huy giá trị không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn biến thành tài sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thống kê phân loại các di sản, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai đã cùng với người dân ở các làng, bản tiến hành bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa tiêu biểu. Khôi phục được toàn bộ hệ thống lễ hội ở các dân tộc ít người với trên 40 lễ hội tiêu biểu. Nhiều lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đón nhiều du khách nước ngoài đến tham quan như: lễ hội Đền Thượng ở thành phố Lào Cai; lễ hội "Gầu tào" ở xã Pha Long (Mường Khương); lễ hội "Roóng poọc" của người Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa)...
Xác định di sản văn hóa ở Lào Cai trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nên tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình "biến di sản thành tài sản". Ở các huyện Bắc Hà,
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đòi hỏi cần có tầm nhìn, sự hiểu biết, tri thức khoa học và cả sự tiếp cận đích thực văn hóa. Bảo tồn, phát huy một cách đúng mức không những giữ gìn được nguyên vẹn mà còn làm thăng hoa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ cốt cách mỗi dân tộc được gìn giữ, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc - nhân tố quan trọng của sự phát triển bền vững được nuôi dưỡng và lưu truyền, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.