Nam Định: Quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch
Tại các khu, điểm du lịch ở tỉnh ta như Khu di tích Lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy), Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường)..., người thuyết minh phải tự học, tự bồi dưỡng, tích lũy kiến thức để giới thiệu với khách du lịch. Bác Nguyễn Thế Hiệp, có 30 năm gắn bó với việc quản lý, thuyết minh viên tại Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Từ năm 1981, được UBND xã cử trông coi, giữ gìn Khu lưu niệm, bác Hiệp đã tự tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh và truyền thống hiếu học của quê hương Hành Thiện để giới thiệu với du khách. Mỗi năm, Khu lưu niệm đón tiếp hàng nghìn du khách đến tham quan, tìm hiểu, yêu cầu thuyết minh, giới thiệu về di tích. Chị Trịnh Thị Nga làm thuyết minh viên tại Khu di tích Lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) cho biết, khi đảm nhiệm công việc thuyết minh, chị luôn tìm cách diễn giải, truyền cảm đến du khách; chủ động điều tiết lượng thông tin phù hợp với độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp với từng đối tượng cụ thể như: học sinh, sinh viên, công nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa…
Là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nhưng hiện tại số lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch trong tỉnh còn quá ít. Theo Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện mới cấp thẻ cho 34 hướng dẫn viên du lịch nội địa thuộc 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong tỉnh và 20 hướng dẫn viên du lịch quốc tế thuộc các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh. Tỉnh ta không có cơ sở đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch nên khó khăn trong việc đào tạo đội ngũ làm công tác này. Mặt khác, số lượng khách du lịch đến tỉnh thường nhỏ lẻ, số đoàn có nhu cầu thuyết minh viên tại chỗ không nhiều, dẫn tới thuyết minh viên ở nhiều khu, điểm du lịch không có điều kiện hoạt động. Hơn nữa, thuyết minh viên du lịch là nghề đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tự nâng cao khả năng ngoại ngữ trong khi thu nhập thấp nên không thu hút được sinh viên tốt nghiệp du lịch về công tác tại địa phương. Năm 2010, Phòng Văn hóa, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở VH, TT và DL) mở lớp đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch nhưng chỉ có 24 người đăng ký nên phải gửi đi đào tạo tại Trường Đại học Mở Hà Nội.
Du lịch đã và đang là ngành “Công nghiệp không khói” góp phần đáng kể vào sự phát triển của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời quảng bá, giới thiệu về tỉnh ta khắp trong nước và nước ngoài, mở ra những cơ hội tìm kiếm đầu tư. Trong 9 tháng năm 2011, doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh đạt 216,2 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2011 đạt 230 tỷ đồng tăng 31,4% so với năm 2010. Trong các giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch đúng hướng nhằm thu hút khách du lịch, Sở VH, TT và DL cùng các địa phương có điểm tham quan du lịch cần ưu tiên đào tạo đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch. Bản thân đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên cần nâng cao ý thức tự học hỏi, khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ để tiếp cận với du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu, điểm du lịch cần xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa trong tỉnh và các doanh nghiệp ngoài tỉnh đưa du khách đến tham quan du lịch tại tỉnh ta, qua đó, vừa nâng cao trình độ đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, vừa có tác dụng quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà./.