Lễ hội văn hóa Khmer Nam bộ: Hướng tới du lịch và quản lý di sản văn hóa
Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa, lễ hội du lịch của đồng bào các dân tộc Khmer được phát huy triệt để. Theo đó, cánh cửa di sản, di tích lịch sử, văn hóa cũng được mở ra, tôn vinh giá trị nền văn hóa dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới.
Gắn di tích văn hóa với du lịch
Có thể thấy, lễ hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ được xem là hệ thống di sản mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời với nhiều nét đặc thù, độc đáo của văn hóa địa phương. Ngay cả hình ảnh của những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo, không chỉ là không gian tâm linh mà còn là một trung tâm hoạt động văn hóa, xã hội - được xem như một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị văn hóa – lịch sử, là một biểu trưng nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam bộ. Do đó, trong các lễ hội, bên cạnh niềm vui cộng đồng, người Khmer luôn thể hiện mong muốn giữ gìn đạo lý trong các mối quan hệ cuộc sống, cầu chúc phước lành, may mắn cho những người xung quanh. Đó cũng chính là nền tảng của đời sống tinh thần và là nét đẹp tâm hồn của đồng bào Khmer Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Vụ trưởng Cục Di sản văn hóa, nếu lễ hội văn hóa dân tộc Khmer được nghiên cứu kỹ, khai thác tốt chắc chắn có thể trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Chính vì vậy, trong những năm qua, các tỉnh vùng đồng bằng Nam bộ đã không ngừng tổ chức các lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời tạo một điểm nhấn du lịch đến tham quan.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Vụ trưởng Cục Di sản văn hóa, những hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer chỉ diễn ra vào các sự kiện lễ hội hàng năm, chưa thể gọi là sản phẩm du lịch. Thực tế, để biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch, như tạo môi trường du lịch và tạo điều kiện cho du khách hội nhập thật sự vào môi trường đó một cách trọn vẹn nhất không dễ chút nào.
Hòa nhập nhưng vẫn bảo tồn
Trong khi đó, sản phẩm du lịch văn hóa, di tích lịch sử nếu không biết cách khai thác, rất dễ trở thành một món hàng hóa bị chi phối của quy luật thị trường. Vì vậy, văn hóa dù ở trong hình thức nào, từ văn hóa vật thể cho tới văn hóa phi vật thể, từ trong các di tích cho tới mọi sinh hoạt nghệ thuật, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, nếp sống, hoặc các tri thức dân gian về ngành thủ công, y học, ẩm thực… là những giá trị cần được bảo tồn và phát huy cái hồn của dân tộc.
Thực chất, ngành du lịch quen khai thác những cái có sẵn, nhưng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di tích lịch sử như thế nào và ra sao thì trong ý thức của người khai thác và được khai thác chưa có sự gắn bó với nhau. Theo đó, Th.s Nguyễn Văn Tấn cho rằng, việc đưa di sản văn hóa khai thác trong du lịch nên theo hướng biến các lễ hội, văn hóa truyền thống dân tộc thành cái “thần”, cái “hồn” độc đáo nhằm tạo ra “đặc sản” du lịch có quy mô đầu tư ngày càng lớn. Đồng thời, nâng tầm các lễ hội văn hóa dân tộc lên tầm quốc gia. Từ đó, góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa, di sản, di tích lịch sử dân tộc Khmer Nam bộ, song song đó phát triển kinh tế du lịch của địa phương.