Tổ chức và quản lý tốt lễ hội
Từ xa xưa, nhân dân ta đã tổ chức lễ hội. Cả nước có tới hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ, trong đó có những lễ hội lớn, thu hút hàng vạn người từ các địa phương. Lễ hội trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa dân tộc, là sản phẩm du lịch hấp dẫn ngày càng thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý lễ hội đang là vấn đề được dư luận quan tâm và là nội dung của các hội nghị về lễ hội mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành ở cả ba miền đất nước.
Do hạn chế của hoàn cảnh lịch sử ra đời và phát triển, lễ hội truyền thống có hai mặt tích cực và tiêu cực, thể hiện rất rõ trong phần lễ. Mặt tích cực là tôn vinh các anh hùng dân tộc, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Mặt tiêu cực là nảy sinh hiện tượng mê tín dị đoan, lễ lạt cầu tài, cầu lộc. Trong phần hội, bên cạnh những trò chơi dân gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc thường kèm theo những tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trai gái...
Nếu cứ để lễ hội phát triển một cách tự phát, nhất là khi có tác động của mặt trái cơ chế thị trường, thì mặt tiêu cực sẽ nổi lên nhanh chóng che lấp mặt tích cực, tinh hoa văn hóa của lễ hội. Thực hiện Chỉ thị 27/CT-T.Ư ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Quyết định số 308/2008/QÐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, các địa phương đã tăng cường công tác quản lý lễ hội, đưa lễ hội dần dần đi vào ổn định, được đầu tư tổ chức công phu, nghi lễ trang trọng theo truyền thống, nêu bật công đức danh nhân, anh hùng dân tộc, tưởng niệm người có công với dân, với nước, đã khôi phục và tổ chức nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Ðã khai thác nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, các lễ hội Nàng Hai (Lạng Sơn), Pháo hoa (Cao Bằng), Nào Sồng (Mộc Châu, Sơn La)... Hầu hết các địa phương khi tổ chức lễ hội đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, đưa các hoạt động lễ hội vào nền nếp.
Tuy nhiên, những hạn chế, tiêu cực của lễ hội vẫn tồn tại dai dẳng từ năm này sang năm khác. Tệ nạn mê tín dị đoan công khai xảy ra ở nhiều lễ hội. Ðốt nhiều vàng mã không đúng nơi quy định, hương khói nghi ngút đến chảy nước mắt, đầy rẫy các hoạt động buôn thần, bán thánh như viết sớ, xóc thẻ, bói toán, sắp mâm cao lễ đầy. Khách thập phương, trong đó có không ít cán bộ, công chức bỏ việc công sở đến dự lễ hội với mục đích, lễ bái, cầu lợi, cầu danh.
Biểu hiện tiêu cực nhất, nhức nhối nhất, khó khắc phục nhất trong các lễ hội, kể cả những lễ hội lớn đã đi vào ổn định là việc người dân bán hàng lộn xộn, lợi dụng lễ hội để kinh doanh vụ lợi, ép giá, nâng giá dịch vụ. Không ít người dân các địa phương đã coi lễ hội là dịp cả năm làm ăn kiếm tiền cho nên tranh giành khách, bày bán đủ các loại hàng nhếch nhác, mất vệ sinh. Tình trạng ùn tắc giao thông, trật tự không bảo đảm ở nhiều lễ hội lớn, gây nên cảnh chen lấn, trộm cắp. Tệ nạn ăn xin đang gia tăng và biến tướng quậy phá, đeo bám khách du lịch như ở Hội Lim, hội Chùa Thầy. Nạn đánh bạc trong lễ hội lôi kéo cả thanh niên, học sinh tham gia xuất hiện ở các tỉnh Hà Tây, Thái Bình. Rác thải bừa bãi ngay trong khu vực diễn ra lễ hội... Tất cả những điều đó đã làm tổn hại đến cảnh quan di tích, không khí lễ hội.
Ðể xảy ra tình trạng trên, trước hết thuộc về trách nhiệm của những người tổ chức, quản lý. Chính quyền một số địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dung túng để các tệ nạn hoành hành, nhất là vào các dịp cuối của các lễ hội tổ chức dài ngày. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ người tổ chức không theo kịp những nảy sinh và nhu cầu ngày càng cao của người tham gia lễ hội. Thực tế đã chứng minh, nếu làm tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội một cách thường xuyên, quyết liệt, chắc chắn sẽ cải tiến được tình hình. Thí dụ nạn xây chùa, miếu giả ở chùa Hương tồn tại rất lâu và có nguy cơ lan rộng, ngành văn hóa đã phối hợp UBND tỉnh Hà Tây tiến hành vận động nhân dân có tình, có lý và kiên quyết dỡ bỏ, trả lại nguyên trạng cho di tích. Cùng lúc là việc sắp xếp lại bãi đỗ xe, bến thuyền ở suối Yến khiến cho việc đi lại thuận tiện. Phủ Tây Hồ là điểm thu hút khách đến lễ hội rất đông, ở Hà Nội, đã có biện pháp quản lý chặt chẽ, dẹp bỏ được nạn lên đồng, khóc thuê, đốt vàng mã bừa bãi, quang cảnh lễ hội nhộn nhịp nhưng trật tự an toàn.
Ở mỗi lễ hội, công tác tổ chức và quản lý càng cụ thể rành mạch bao nhiêu, càng đạt hiệu quả. Mỗi lễ hội đều phải có mục tiêu, chủ đề rõ ràng, nhằm tôn vinh ai, phát huy những giá trị gì của văn hóa dân tộc, từ đó tiến hành công tác tuyên truyền rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân. Những quy định về phần lễ, phần hội cũng phải cụ thể: cách thức thắp hương, nơi đốt vàng mã, nghiêm cấm các hoạt động buôn thần bán thánh, các trò chơi điện tử, kích động bạo lực, các trò chơi đánh bạc trá hình ầm ĩ, huyên náo. Ðặc biệt, phải sắp xếp nơi bán hàng quy củ hợp lý, quy định giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, có cam kết, có kiểm tra, xử phạt. Ngay cả việc đi vệ sinh, nơi xả rác, cũng phải được tính tới... Và điều quan trọng hơn cả là những quy định phải được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và thực hiện nghiêm túc.
Một vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi các nhà quản lý lễ hội quan tâm: việc cung tiến công đức tu bổ di tích và tổ chức lễ hội ngày càng tăng, đã xảy ra hiện tượng tùy tiện tu sửa, tôn tạo không xin phép cơ quan quản lý, phá vỡ nguyên gốc di tích và cảnh quan. Bên cạnh đó, do các cơ quan quản lý chưa có biện pháp quản lý phù hợp hoặc mức thu lệ phí quá cao dẫn đến tình trạng tận thu và tổ chức dịch vụ lộn xộn ở một số lễ hội, Nhà nước chưa quản lý được nguồn thu từ lễ hội.
Hiện nay, lễ hội trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch có sức thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Một số địa phương đã tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch theo hình thức sân khấu hóa với quy mô lớn, mong muốn tập hợp những nét nổi bật của nhiều lễ hội trong địa phương. Tuy nhiên, các chương trình sân khấu hóa này chưa thật sự gắn chặt với bản sắc văn hóa từng địa phương và cách thức thể hiện văn hóa dân gian mà thường rập khuôn, máy móc, khiến các chương trình na ná giống nhau, không thật sự hấp dẫn và trở nên nhàm chán. Nên chăng gắn các lễ hội đặc sắc của địa phương với các tua du lịch để giữ nét tinh túy và không gian của lễ hội? Nên chăng khi sử dụng hình thức sân khấu hóa cần có những nguyên mẫu lễ hội của địa phương do nhân dân thực hiện? Một số lễ hội quy mô lớn và hầu hết các lễ hội văn hóa - du lịch tuy thu hút nhiều người tham dự nhưng chưa ấn tượng, chưa đem lại lợi ích kinh tế so với kinh phí đầu tư tổ chức, gây dư luận lễ hội tổ chức tràn lan, phô trương, lãng phí.
Lễ hội là di sản văn hóa của dân tộc, kinh tế phát triển đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu về lễ hội càng lớn. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của lễ hội đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân đồng thời tham gia phát triển kinh tế bằng sản phẩm văn hóa - du lịch, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước con người và nền văn hóa Việt Nam với thế giới là yêu cầu mới của công tác tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay.