Múa dân gian vùng Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội
Hà Nội có tới trên 50 điệu múa cổ, thuộc ba hình thái là múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 20 điệu múa, chủ yếu là hình thái múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội của các làng cổ Hà Nội.
Múa rồng
Trong đức tin tâm linh của người Việt, Rồng là biểu tượng cho sức mạnh và sự hưng vượng nên múa rồng mặc nhiên trở thành một hình thức biểu lộ sự cầu mong phồn vinh thịnh vượng.
Chính vì vậy, cùng những biến đổi phát triển của cuộc sống, con người lại càng phát huy sức sáng tạo trong việc phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này thêm phong phú.
Nếu ngày xưa múa rồng chỉ để bày tỏ sự vui mừng chào đón các ngày đại lễ, để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an thì ngày nay múa rồng còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn, cầu mong giàu có, phát đạt.
Múa rồng có hai hình thức là múa đơn và múa đôi. Nghệ nhân múa rồng sử dụng cán để điều khiển con rồng bay, nhảy, đảo lộn... tạo nên những bài diễn theo chủ đề nào đó.
Trang phục vũ công đơn giản, gọn gàng và luôn đòi hỏi mầu sắc phải thống nhất.
Múa rồng hoành tráng với nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc...
Cùng với âm thanh vang dội, tưng bừng, tiết tấu sinh động, linh hoạt của dàn trống cái, chũm chọe và tù và điệu múa rồng gây hấp dẫn, cuốn hút người xem đến kì lạ.
Múa trống bồng
Đây là điệu múa vui nhộn, nhí nhảnh và hấp dẫn, thường được múa trong những ngày hội làng, hội đình vùng đất Thăng Long-Hà Nội.
Đó là hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch của các chàng trai chưa vợ, giả trang nữ, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và có tài nhảy múa trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo the đen, đầu chít khăn mỏ quạ, đeo trống bồng dài, nhỏ trước bụng.
Múa trống bồng kết hợp vừa nhảy nhỏ, vừa vỗ trống, với bước chân chéo dài, động tác vung tay rộng qua mặt trống.
Những bước giáp lưng để xoay người, đổi chỗ cho nhau, những động tác lắc đều, cuộn bàn tay, nhún mềm, nhảy nhót trong tiết tấu vui tai nhịp 2/4 làm cho điệu múa sôi động, phóng khoáng, mạnh mẽ.
Múa lục cúng
Múa lục cúng là sản phẩm văn hóa Phật giáo, được sử dụng vào những dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan bồn, lễ khánh thành chùa, lễ hô thần nhập tượng.
Múa do các sư thầy biểu diễn, mặc áo cà sa, đội mũ thất Phật, tay bắt quyết, chân chạy đàn dâng sáu lễ vật cúng lên chư Phật gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực.
Tay dâng vật cúng nào, chân đi lướt nhẹ theo tuyến chữ của vật cúng ấy. Múa dâng hoa đi theo hình hoa hồi bốn cánh, múa dâng trà đi theo hình chữ thuỷ, múa dâng oản (thực) đi theo hình chữ điền… Lục cúng mang nhiều yếu tố tạo hình. Tất cả người múa, hai tay cầm đèn hoa sen múa, tạo hình đẹp, hấp dẫn.
Múa bài bông
Múa bài bông trong dân gian còn có một tên gọi khác là “bắt bài bông”, là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù (gồm múa bỏ bộ, múa tứ Linh, múa bài bông).
Theo truyền thuyết và các nghiên cứu gần đây, điệu múa này ra đời thời nhà Trần. Trần Quang Khải đã dựng nên điệu múa này để ca múa trong ngày lễ thái bình diên yến của vua Trần Nhân Tông.
Múa bài bông thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của giáo phường như ngày giỗ tổ ca trù vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch.
Bên cạnh đó, trong không gian cửa quyền tức là hát tại các dinh quan, đám khao vọng chúc thọ lớn, điệu múa này cũng được sử dụng. Những nghệ nhân ca trù vẫn coi múa bài bông như một điệu dùng để múa chầu, múa ngự.
Đội múa trong điệu múa bài bông có ít nhất là 4 người theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi: hoặc 8 hoặc 16, những dịp đại lễ thì phải 32 người múa.
Về trang phục, các cô đào trẻ đẹp khi múa thì mặc áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên vai đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt tầu, lúc xếp quạt, lúa xòe quạt linh hoạt và trông rất vui mắt.
Đi kèm với đội múa là một đội nhạc có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, một người đánh đàn đáy, một đàn nguyệt bốn dây (vẫn gọi là đàn tứ đoản), một đàn tam, một trống mảnh, chiêng và trống cơm, lúc tấu nhạc khoan thai, vui tươi gợi nên cảnh thái bình.
Múa gậy
Múa gậy thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt, động tác theo nhịp trống và các nhạc cụ gõ. Với gậy tre hoặc gỗ, người múa toàn thân uốn lược, xoáy tít, đánh dồn dập, mạnh mẽ.
Các dạng múa gậy, trước mặt, sau lưng, trên đầu, quét dưới chân, xoay tròn, quay phải, quay trái theo tiếng trống, tiếng tù và thúc giục liên hồi.
Múa dân gian Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, qua thời gian, vẫn giữ được bản sắc độc đáo của mình, đồng thời được bồi đắp thêm những giá trị, những tìm tòi và phát triển mới. Việc kế thừa và phát huy múa dân gian vùng Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội đã góp phần quan trọng đưa nền nghệ thuật múa Việt Nam lên tầm cao mới.