Non nước Việt Nam

Cao Sơn (Lào Cai) - điểm đến thân thiện

Cập nhật: 11/01/2012 15:45:37
Số lần đọc: 1866
Cách thị trấn Mường Khương hơn 20 km về phía Tây Bắc, Cao Sơn được thiên nhiên ưu đãi về địa hình, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên cùng những ngôi làng cổ và vốn văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào Mông, Nùng đã tạo cho vùng đất này tiềm năng du lịch phong phú và hấp dẫn.

Thổ cẩm ở chợ Cao Sơn.

Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, xã Cao Sơn nằm trong tour du lịch sinh thái Đông Bắc 7 ngày: Hà Nội - Cao Bằng - Hà Giang - Lào Cai và 7 ngày Tây Bắc: Cao Sơn (Lào Cai) - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La (thuộc Công ty Cổ phần Du lịch và Quảng cáo Phương Bắc). Khu du lịch nghỉ dưỡng này được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu trong lành, mùa đông lạnh, mùa hè mát, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, có nhiều hang động ẩn sâu trong lòng núi đá vôi và hệ thống rừng nguyên sinh với đa dạng hệ thảm thực vật phong phú rất thích hợp du lịch dã ngoại. Cùng với đó là sự giản dị mang màu sắc cổ truyền dân tộc của hơn 500 hộ đồng bào Mông, Nùng sinh sống nơi đây đã tạo cho mảnh đất này trở thành điểm du lịch thân thiện và hấp dẫn. Cao Sơn nằm ở vị trí trung tâm cụm xã đóng vai trò cầu nối giữa các xã Lùng Khấu Nhin, La Pán Tẩn, Tả Thàng, nơi có hệ thống đường thủy trên sông Chảy rất thuận lợi cho việc đi lại thông thương trao đổi hàng hóa và phát triển du lịch. Lượng du khách đến Cao Sơn tham quan, nghỉ mát ngày càng tăng cao.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Luật, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Quảng cáo Phương Bắc (trạm Cao Sơn) cho biết: Sở dĩ khách đến Cao Sơn ngày càng tăng cao, một phần là do chất lượng phục vụ khá tốt, mặt khác cảnh quan thiên nhiên, tập tục sinh hoạt, làng bản của người dân nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ và mang đậm truyền thống dân tộc. Người Mông Cao Sơn hiện nay còn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống như: thêu, dệt thổ cẩm, rèn, đan mây tre, nấu rượu… hoàn toàn sử dụng nguyên liệu truyền thống từ thiên nhiên để làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống, bên cạnh đó là vốn tri thức bản địa vô cùng phong phú. Đó chính là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy.

Sau thời gian tìm hiểu, đầu tư, trạm Cao Sơn đi vào hoạt động, đơn vị đã xây dựng hoàn thiện trạm đón tiếp khách du lịch, khu nhà nghỉ sinh thái gồm 8 phòng nghỉ kép kín, hệ thống sân vườn, hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông tin…) đều được quy hoạch theo tiêu chuẩn đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh môi trường. Hầu hết khách nước ngoài đến đây đều rất hài lòng và muốn lưu trú thêm nhiều ngày. Do lượng khách tăng mỗi năm, đơn vị tiếp tục xây dựng và mở rộng hệ thống mạng lưới các tour, điểm du lịch tới các bản làng vùng lân cận như: Điểm du lịch tại bản Mường Lum của người Dao, bản Văng Leng của người Nùng (xã Lùng Khấu Nhin). Đặc biệt, đơn vị tiến hành dự án bố cục, nâng cấp làng cổ, xây dựng mô hình điểm về kinh tế hộ ở một bản, phù hợp với đặc điểm của bản đó nhằm đảm bảo các điều kiện để đón tiếp các đoàn khách tham quan. Cùng với đó, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình trong vùng dự án xây dựng, tu bổ lại nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi theo đúng kiến trúc bản địa, mục đích vừa bảo tồn giá trị truyền thống phục vụ nhu cầu khách tham quan, vừa cải thiện đời sống kinh tế của bà con trong vùng. Thực tế cho thấy, du lịch Cao Sơn là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian truyền thống. Khách du lịch đến Cao Sơn ngoài mục đích tận hưởng khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, còn được tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nên số lượng du khách lưu trú ngày một tăng.

Trên con đường rải nhựa xuyên qua làn mây trắng bồng bềnh, đưa du khách tới thăm bản Ngải Phóng Chồ và Lùng Sén Lùng của đồng bào Mông và bản Văng Leng của đồng bào Nùng, với những nếp nhà cổ còn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng bởi những kiến trúc hiện đại từ bên ngoài pha tạp vào. Những bản này luôn hấp dẫn sự tìm hiểu và khám phá của du khách, đặc biệt là khách châu Âu. Ông Phi-líp, du khách người Pháp cho biết: Đây là lần đầu tiên vợ chồng ông đến Cao Sơn. Điều để lại ấn tượng tốt đẹp nhất cho ông là sự thân thiện, mến khách của người dân và các sản phẩm văn hóa mang đậm sắc màu truyền thống. Còn cô Lala, du khách người Úc nhận xét: Tôi đã đi qua nhiều nước châu Á, nhưng chưa thấy nơi nào có vẻ đẹp tiềm ẩn như Cao Sơn, tôi rất thích cảnh quan nơi đây, kiến trúc nhà tường trình của đồng bào Mông và tham quan chợ phiên mang đậm bản sắc vùng cao. Đây là những nét đặc trưng chỉ đến Cao Sơn - Mường Khương tôi mới cảm nhận hết được…

Đến Cao Sơn vào mùa xuân, du khách được hòa mình cùng những tập tục sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông, Nùng như: Hội "Sải Sán" (đạp núi) của người Mông; lễ "Cúng rừng cấm bang" của người Nùng, các trò chơi dân gian đầy ấn tượng và thăm chợ phiên Cao Sơn vào thứ tư hàng tuần, từng tốp người mua bán tấp nập, đến đây du khách được thỏa sức ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ trên bộ trang phục truyền thống của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Nùng, Dao… phiên chợ là nơi giao lưu, là dịp để các trai hiền, gái đảm trò chuyện, giao lưu, tâm tình kết bạn. Ở đây, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa đặc trưng trong món ẩm thực hấp dẫn như: bánh ngô, bánh khúc, bánh chưng đen, xôi bảy màu có hương thơm của lá cây rừng và rượu ngô ngâm cây thuốc chữa bách bệnh. Đặc biệt là các sản phẩm tự tay người nông dân sản xuất như: đồ mây tre đan, đồ khảm bạc, đồ rèn đúc…

Để du lịch Cao Sơn ngày càng hấp dẫn, thân thiện với du khách, ngoài nâng cao chất lượng phục vụ, bảo tồn các giá trị truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, công ty tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia làm du lịch, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý du lịch cho cộng đồng người Mông, Nùng, Dao tại những bản làng thu hút khách du lịch, nhằm từng bước khai thác, phát triển các sản phẩm văn hóa truyền thống phục vụ du khách, góp phần nâng cao mức thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, công ty còn đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để xây dựng thương hiệu du lịch Cao Sơn thân thiện và hấp dẫn.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT