Non nước Việt Nam

Khám phá kiến trúc độc đáo của bến Nhà Rồng

Cập nhật: 04/01/2012 09:33:04
Số lần đọc: 1841
Nhắc đến Bến Nhà Rồng - nơi vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình cứu nước - ít ai biết rằng đây cũng là một thương cảng lớn, có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng bởi người Pháp từ những năm 1863.
Nhà Rồng nay thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM. Ảnh: Vietbalo.com.
Nhà Rồng tọa lạc trên ngã ba sông Sài Gòn, đầu đường Nguyễn Tất Thành, thuộc quận 4, TP HCM. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 4/3/1863, do Công ty vận tải đường biển Pháp Messageries Maritimes xây dựng, vốn để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu.
 
Nhà Rồng được xây dựng theo kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trǎng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Ở giữa hai con rồng, thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo. Phù hiệu đầu ngựa hàm chỉ thời trước bên Pháp, công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn mỏ neo tượng trưng cho tàu thuyền.

Với kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở công ty được giới bình dân gọi là nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến Cảng Nhà Rồng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long với Nhà là Gia, Rồng là Long và bến Nhà Rồng được người Pháp đặt để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp.

Vào tháng 10 năm 1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ "Thủ ngữ" có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào Cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi. Năm 1893, trụ sở công ty Nhà Rồng dùng đèn điện, dùng bóng đèn 16 nến, sáng leo lét, kém xa mấy ngọn đèn lồng thắp dầu lửa mà tòa đô chính cho thắp thử ở đường Catina (Đồng Khởi).
Gần cuối năm 1899, công ty được phép xây cất bến cho tàu cập vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m (phía tàu cặp vào). Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của moai bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10m. Ban đầu xây hai bến rồi xây thêm bến thứ ba.

Năm 1919, công ty được phép xây bến bằng xi măng cốt sắt, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3/1930 mới hoàn thành bến mới, chỉ một bến nhưng dài 430m...

Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài. Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, là khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khi trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, nơi đây đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt có hàng trǎm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thǎm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện, nơi đây lưu giữ 11.372 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Nguồn: ĐVO

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT