Hiển Lâm Các, biểu tượng của Hoàng thành Huế
Kiến trúc của Hiển Lâm Các được chia làm 3 phần rõ rệt. Tầng 1 có tất cả 5 gian, kiến trúc của tầng 1 được xem là sắc sảo với những bản điêu khắc đạt đến trình độ điêu khắc tinh xảọ Tại các cột, kèo của tầng 1, các bản điêu khắc có in hình rồng, hoa, lá có giá trị rất cao về mặt kiến trúc. Ở hàng cột 3 tính từ mặt trước, dựng một dãy đố bản, giữa mỗi gian trổ một cửa vòm. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản ở tầng này đều chạm nổi các mô típ hình rồng cách điệu hóa thành dây leo lá cuốn. Trên cửa giữa treo tấm hoành phi lớn đề ba chữ “Hiển Lâm Các” với nền sơn màu lục, khung chạm 9 con rồng vờn mây sơn son thếp vàng rất tinh xảo, điêu luyện. Chiếc cầu thang nhỏ bằng gỗ được bắc lên tầng 2 được coi là một tác phẩm giá trị nhất của Hiển Lâm Các. Tầng 2 được chia làm 3 gian và tầng 3 chỉ có 1 gian. Trên cùng của tầng 3 có đựng một bình rượu màu vàng. Tất cả 12 mái, 4 cột chính chạy suốt chiều cao của Hiển Lâm Các là 13m và diện tích mặt bằng Hiển Lâm Các là 300m2.
Trải qua thời gian hơn một thế kỷ, dù bị mưa nắng bào mòn, nhưng nhờ được bảo quản, trùng tu, tôn tạo nhiều lần (gần nhất là năm 2001), Hiển Lâm Các được coi là một trong những công trình được trùng tu hoàn chỉnh, mẫu mực nhất ở Hoàng thành Huế. Bên cạnh Thế Miếu và Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các trở thành điểm nhấn trong toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế và là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến tham quan Di sản văn hóa thế giới này của Việt Nam. Với những giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, Hiển Lâm Các cùng với sông Hương của Cố đô Huế đã được lựa chọn là biểu tượng (logo) của Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012.