Chợ Thượng Lâm (Tuyên Quang): Nét đẹp vùng cao
Bên cạnh đó, với các loại hàng hóa nông sản, sản vật nổi tiếng mang đặc thù của một địa phương vùng cao thì việc hình thành một điểm mua bán, trao đổi hàng hóa sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Chợ Thượng Lâm ra đời và gắn bó với người dân Thượng Lâm và các xã khác trong vùng từ bao năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển. Và, chợ vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng của một xã vùng cao.
Đồng chí Chẩu Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm cho biết: “Hiện xã có chợ trung tâm nằm ở thôn Bản Chợ. So với những năm trước chợ đã thu hút được số hộ đến kinh doanh, buôn bán rất đông, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong vùng. Toàn xã có trên 30 hộ dân thường xuyên buôn bán trong chợ, ngoài ra bà con trong xã thường đem nông sản làm được ra bán tạo nên không khí đông đúc cho chợ vào những ngày họp. Chợ họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần…”.
Chợ Thượng Lâm ra đời từ năm 1987, khi ấy chỉ có lẻ tẻ vài gian hàng của người dân địa phương theo kiểu làm được thứ gì không dùng hết thì đem bán nên mới chỉ được gọi là chợ thôn Nà Bản. Sau này, xã có chủ trương quy hoạch mở rộng diện tích chợ, đưa chợ họp vào vị trí gần đường để người dân thuận tiện buôn bán. Từ đó, người dân đem nông sản đến bán rất đông, thương lái từ các nơi khác cũng tìm đến trao đổi hàng hóa. Thời kỳ ấy, trong xã còn có HTX mua bán, HTX nông nghiệp, HTX tín dụng.
Năm 1990, do hoạt động của chợ cũ không đáp ứng được nhu cầu số người đến buôn bán, trao đổi hàng hóa nên chợ được chuyển lên thôn Bản Chợ (như bây giờ). Năm 2000, từ nguồn vốn Chương trình 135 do Nhà nước đầu tư xã Thượng Lâm đã đầu tư trên 400 triệu đồng tiến hành quy hoạch xây dựng chợ theo hướng kiên cố với tường rào bao quanh với trên 60 gian hàng có mái che. Việc đầu tư xây dựng chợ phù hợp với nguyện vọng của người dân và các tiểu thương trong vùng đã tạo nên một bước chuyển mới cho nền kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân trong xã đã đăng ký buôn bán tại chợ và giàu lên. Hộ bà Ngô Thị Phin, buôn bán vải, các thiết bị điện tử; hộ anh Nguyễn Văn Sơn bán các thiết bị dân dụng... đều đã xây được nhà khang trang nhờ buôn bán tại chợ.
Chợ họp đều vào mỗi thứ 5 và chủ nhật hàng tuần với một lượng hàng hóa được trao đổi, buôn bán rất lớn. Trong chợ bày bán rất nhiều các loại hàng hóa từ các thiết bị điện tử đắt tiền đến các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. “Có cầu thì ắt có cung” câu nói này đã chứng minh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân đã được nâng lên, điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện, và ngày càng khấm khá hơn nhiều. Chị Phúc Thị Thúy, một người dân xã Thượng Lâm thường xuyên tham gia các phiên chợ cho biết: “Tôi thấy người dân mình bây giờ rất nhạy bén. Họ làm ra nhiều nông sản, không sử dụng hết họ đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa các vật dụng khác cho gia đình. Cái tư tưởng “làm ra bao nhiêu dùng bấy nhiêu” hay “tự cung tự cấp” đã không còn tồn tại nữa rồi. Mừng vì bà con mình đã nhận thức rõ được thế mạnh của buôn bán trong đời sống xã hội…”.
Khi người dân Thượng Lâm và các xã khác trong vùng đến chợ họ không chỉ đem theo những sản vật của địa phương do gia đình mình làm ra mà còn mang đến cả những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử và cả những trang phục lộng lẫy của dân tộc mình. Có thể những ngày thường những bộ trang phục cầu kỳ với rất nhiều chi tiết đặc sắc ấy không có cơ hội được mặc vì nhiều người cũng nhận ra sự vướng víu khi làm đồng áng thì chỉ có những dịp khoe sắc khi đi chợ phiên Thượng Lâm. Tham gia một ngày chợ Thượng Lâm không chỉ được thưởng thức những món ăn đậm đà của địa phương mà còn được nhận cả những tình cảm đằm thắm mà người dân vùng cao gửi gắm.
Tương lai chợ Thượng Lâm được quy hoạch chi tiết và quy mô hơn. Điều đó phù hợp với sự phát triển chung. Tuy nhiên trong quá trình đổi mới, phát triển cần giữ lại được những nét đẹp vốn có trong mỗi phiên chợ vùng cao.