Non nước Việt Nam

Đền Thiên Kỳ (Hải Dương), nơi thờ danh tướng Nguyễn Húc

Cập nhật: 24/02/2012 10:26:33
Số lần đọc: 2745
Đền Thiên Kỳ  (ở Kinh Môn) thờ nhà quân sự, nhà thơ tài hoa Nguyễn Đình Húc, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Đền Thiên Kỳ nằm ở địa phận thôn Kệ Sơn, xã Hoành Sơn (Kinh Môn). Đền được xây dựng ở sườn núi Thiên Kỳ nên lấy tên núi đặt cho đền, tựa lưng vào núi có rừng thông xanh ngắt quanh năm, phía bên phải đền có dòng suối nhỏ xưa kia đầy trúc và hoa ven bờ. Trước cửa đền là cánh đồng lúa chạy dài tới ngã 3 sông, nơi gặp nhau giữa sông Kinh Thầy và sông Đá Vách.


Thôn Kệ Sơn còn có tên nôm là Cậy Sơn là địa danh có từ rất sớm, theo tài liệu khảo  sát điền dã thì ở thôn có rất nhiều di chỉ mộ cổ thời Hán. Trước năm 1898, Cậy Sơn thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hồng Quảng, sau khi TP Hải Phòng được thành lập, khu đảo Nhị Chiểu trong đó có thôn Kệ Sơn được cắt về Kinh Môn. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Kệ Sơn là đơn vị xã thuộc tổng Nhị Chiểu, phủ Kinh Môn. Sau cải cách ruộng đất, xã Hoành Sơn được thành lập, Kệ Sơn là một thôn thuộc xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Xã Hoành Sơn là một trong 5 xã thuộc khu Nhị Chiểu, nằm ở phía Bắc huyện Kinh Môn, chiều dài toàn xã là 2.500m, chiều rộng khoảng 1.500m, phía Đông giáp xã Duy Tân là đất liền, còn lại toàn bộ địa hình của xã bao quanh bởi 2 con sông Kinh Thầy và sông Đá Vách, điều kiện địa lý đã tạo cho di tích nhiều dáng vẻ hoang sơ, để đi đến di tích người ta có thể vừa đi đường bộ hoặc đường thuỷ đều thuận lợi.


Đền Thiên Kỳ thờ Nguyễn Đình Húc (nhân dân địa phương còn gọi tắt là Nguyễn Húc) một danh tướng thời Lê có công lớn trong kháng chiến chống quân xâm lược Minh. Ông còn là một nhà thơ tài hoa, thơ ông đã được tuyển chọn trong hợp tuyển  thơ ca Việt Nam.


Nguyễn Đình Húc sinh năm 1379 tại thôn Kệ Sơn, thuở nhỏ ông là người thông minh chính trực, lớn lên được gia đình cho ăn học, sẵn có tư chất thông minh, ông nhanh chóng trở thành người học rộng, tài cao, văn võ song toàn. Mùa đông năm 1406, Trương Phụ và Mộc Thạch đem hơn 20 vạn quân Minh xâm lược nước ta, quân đội nhà Hồ không ngăn được thế giặc lần lượt rút lui, sau đó thất bại, đất nươc rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, vốn là người có tài thao lược, Nguyễn Đình Húc đã tập hợp nghĩa quân đánh giặc. Ngay tại mảnh đất quê hương, dựa vào địa hình núi rừng hiểm trở, ông cho quân làm bẫy đá diệt được nhiều giặc. Trận đánh lớn nhất là trận Thạch Bàn, trên đồi thông Nam, tại đây ông đã tiêu diệt gọn toán giặc Minh, chém đầu tướng giặc là Trần Đăng Khoa làm cho kẻ địch kinh hãi. Sau chiến thắng, Nguyễn Đình Húc đã mở rộng ảnh hưởng của mình ra các vùng xung quanh, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Đình Húc đã mang toàn bộ lực lượng tham gia khởi nghĩa và được Lê Lợi phong chức phó tướng, chỉ huy một cánh quân, lập nhiều chiến công ở vùng Đông Bắc.


Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, do có công lao to lớn, ông được triều đình phong thưởng, sau đó được bổ làm tri phủ Bắc Ninh. Ông là một vị quan thanh liêm, chính trực được nhân dân yêu mến kính trọng, về sau khi triều đình nhà Lê có mâu thuẫn, ông cáo quan trở về quê ở ẩn, vui cảnh núi rừng, làm thơ ngâm vịnh. Khi trở lại quê nhà, ông lấy tên tự là Di Tân, hiệu Cúc Trang, làm nhiều thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương, nói lên tâm sự của mình, tập thơ cựu đài của ông rất nổi tiếng và được chọn vào hợp tuyển thơ văn Việt Nam.


Một nhà quân sự, một nhà thơ tài hoa, Nguyễn Đình Húc thật sự là con người văn võ song toàn. Những năm cuối đời sống ở quê hương, ông vẫn theo dõi tình hình đất nước “ngoảnh lại Tràng An trời thăm thẳm” và lên án một số quan lại ăn chơi xa xỉ không chăm lo cho dân:


“Tràng An quý tộc bao người

Nghênh ngang xe ngựa ngang trời nhạc rung

Cao lương mỹ vị đủ điều

Lại khinh những kẻ dưa rau tục tằn”


Khi sắp mất, ông đã ví mình như Khuất Nguyên bên Trung Quốc, ông mất năm 1469 tại quê nhà, hưởng thọ 90 tuổi. Để tỏ lòng tôn kính ông, nhân dân đã lập đền thờ ông trên núi Thiên Kỳ, ngọn núi mà đương thời ông đã mài gươm, ăn thề cùng nhân dân và nghĩa quân quyết đánh giặc bảo vệ quê hương. Hiện nay hòn đá thề và đá mài gươm vẫn còn ở phía sau đền.

 

Đền Thiên Kỳ được xây dựng sau khi Nguyễn Đình Húc mất đền đặt ở sườn núi phía bắc, trong khuôn viên của ngôi chùa cổ thời Trần, tương truyền ông đã từng lấy ngôi chùa này làm đại bản doanh, tập hợp nhân dân khởi nghĩa. Dấu tích ngôi chùa cổ hiện còn thấy gạch hoa thời Trần. Vào cuối thời Lê, đền được xây dựng khá lớn, tạo thành cụm di tích đền chùa theo xu hướng tiền thần, hậu phật. Đến thời Nguyễn, khu di tích cũng được trùng tu nhiều lần. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là vùng căn cứ kháng chiến, địch càn quét đã đốt phá một phần lớn hạng mục của khu đền. Hiện nay, nhân dân đã góp tiền của, công sức tu bổ lại ngôi đền gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung, đền quay đúng hướng Bắc nhìn ra ngã 3 sông, con đường làng trải đá uốn lượn đưa ta đến trước tam quan. Từ đây, bước chân chầm chậm trên các bậc đá, đủ có thời gian để ta suy tư, chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghi của ngôi đền. Những con sấu đá thời Lê chầu bên bậc đá nhắc ta về niên đại xây dựng đền. Sân đền to rộng, phía trước sân có cây đại cổ thụ, có chậu cảnh bằng đá do chính tay những người thợ đá tài hoa Kính Chủ làm ra và cây trúc đài có niên đại thời Minh Mệnh, kiến trúc ngôi đền làm bằng gỗ lim có chạm khắc ở các đầu bẩy, cửa bức bàn song tiện, mái lợp ngói ta, xung quanh đền là vườn cây ăn quả, rừng gỗ mướt xanh rất thuận tiện cho du khách khi về lễ hội và du lịch sinh thái.

Trước đây đền Thiên Kỳ có nhiều cổ vật quý, do chiến tranh và thiên tai đã thất lạc một phần. Hiện nay còn một số đôi sấu đá thời Lê, cây trúc đài đá, bể cảnh đá và bát hương đá có chữ “Đống cơ đại thần” câu đối đại tự khá nhiều do nhân dân mới phục hồi lại trên cơ sở các câu đối cũ ở đền. Trong đó, có câu đối ca ngợi công lao của Nguyễn Đình Húc


“Vũ lược thắng Minh binh quốc trọng anh hùng dân trọng đức.

Văn bút truyền Nam sử sinh vi Tướng tử vi Thần”


Nôi tiếp truyền thống xưa, trong kháng chiến chống Pháp, đền Thiên Kỳ là nơi hội họp của du kích, là điểm tập kết của cán bộ từ vùng kháng chiến về vùng tự do trước khi vượt sông Kinh Thày. Sau hoà bình lập lại đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng giêng âm lịch, thu hút nhân dân trong xã và các vùng lân cận, trong lễ hội có tổ chức lễ dâng hương, lễ tế Thánh và các trò chơi dân gian như cờ người, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ với các xã, các vùng xung quanh tạo cho di tích có sức hút lớn.


Hiện tại con cháu và dòng họ Nguyễn Đình Húc vẫn phát huy tốt truyền thống của cha ông, vào năm Khải Định thứ 10 trong họ có người được vua ban bức trâm “Tiết hạnh khả phong”. Nhiều người con của dòng họ công tác xa đã góp công sức, tiền của cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tu sửa lại ngôi đền khang trang, sắm đồ tế tự, tạc tượng Nguyễn Đình Húc. Trong tương lai di tích sẽ càng to đẹp hơn, là điểm đến của du khách thập phương trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT