Lễ hội và nét văn hóa dân gian làng Kỳ Hội
Làng Kỳ Hội xưa là một thôn của xã Đông Hà, Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây là một làng cổ có tên chữ là Kỳ Thường (thời thuộc Đường), Thiện Chủng Trang (thời Lý, Trần), Kỳ Trọng (trước đây thuộc tổng Tứ Hải, huyện Thanh Quan, phủ Thái Ninh). Làng Kỳ Hội xưa có ba đình (đình Thượng, đình Trung, đình Hạ). Trước đình có ao rối, giữa ao có cây muỗm cổ thụ có tuổi đời hàng vài trăm năm. Sau đình có giếng ngọc và ngôi đền thờ đức Thánh Trần. Thần phả hiện còn lưu giữ ở làng cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, Hưng Đạo Vương đã dừng chân ở làng ba ngày. Thời đó trong làng có hàng chục thanh niên và một vị lang y đã đi theo quân của Hưng Đạo Vương đánh giặc Nguyên Mông. Cạnh đền là ngôi chùa cổ (Hoa Viên Tự) được xây từ thời Hậu Lê (Lê Sơ). Trước cửa chùa là gác chuông cao 7 mét. Phía trước gác chuông về phía tay trái con đường làng là nhà Văn Từ, Văn Chỉ được xây dựng vào cuối thời Lê Trung Hưng, đầu thời Nguyễn. Đáng tiếc trong chiến tranh đình, đền, Văn Từ, Văn Chỉ, gác chuông đều bị huỷ hoại. Hiện chỉ còn cây thị già có tuổi thọ 600 – 700 năm, đêm ngày ngả bóng xuống sân chùa.
Trở về Kỳ Hội trong những ngày đầu xuân 2012, khi cả làng đang chuẩn bị tổ chức lễ hội đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá của UBND tỉnh Thái Bình, chúng tôi thấy đây quả là một làng có bề dày về truyền thống văn hoá được lưu truyền từ nhiều năm. Ở Kỳ Hội xưa không những chỉ có những gánh chèo, gánh tuồng, phường múa rối nước, hội võ gậy, nghề dệt chiếu cói được phát triển và tồn tại hàng trăm năm trước; mà hiện ở đây còn tồn tại nghề thợ ngoã (thợ xây) và đặc biệt là nghề tô, đắp tượng, rồng, lân, phượng.
Trước Cách mạng Tháng Tám, số người làm nghề xây, tô đắp tượng chiếm tới nửa làng. Thời phong kiến thợ Kỳ Hội thường tham gia các cuộc thi do quan phủ, huyện tổ chức. Cách ngày nay 3 – 4 đời, làng có cụ Đặng Văn Ích đi thi đã chiếm giải nhất và được tặng danh hiệu “Trương Tỉnh” - danh hiệu dành cho thợ đứng đầu hàng tỉnh về tài tô, đắp tượng và xây dựng. Chính cụ Đặng Văn Ích và các thợ khác của làng đã đắp hai con rồng cuốn theo hình tháp bút cao 6 – 7 mét đến nay vẫn còn ở đền Mục (Vĩnh Bảo - Hải Phòng). Hai pho hộ pháp ngồi trên lưng con sấu và một pho tượng Phật bà, một pho tượng Thích ca ở chùa Đoài, thôn hệ xã Thụy Ninh, Thái Thụy. Thợ Kỳ Hội đã từng được mời tới đắp rồng phượng ở đền Bảo Lộc (Nam Định), Kiếp Bạc (Hải Duơng), đình làng gạch xã Đông Xá huyện Đông Hưng. Theo các cụ cao niên ở địa phương thì rối nước đã xuất hiện ở làng Kỳ Hội khoảng 200 – 300 năm trước đây.
Đặc biệt rối nước ở đây có liên quan mật thiết với phường rối nước Hồng Phong - tỉnh Hưng Yên. Vào cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn, ở Kỳ Hội có cụ Hoàng Phổ đậu cử nhân, sau được bổ làm quan đốc học ở huyện Tứ Kỳ - Hưng Yên. Sau này, chán cảnh quan trường cụ trở về làng xây dựng Văn Từ, Văn Chỉ - mở trường dạy học, ngươì làng thường gọi là ông quan giáo. Quan giáo phổ đã kết hợp với bố con ông Phạm Bảo, Phạm Hi, ông cai Quyên, ông Phó Kiên... và một số người khác trong làng cùng lập phường rối truyền đến nay được 9 – 10 đời. Phường rối Kỳ Hội có lúc đông tới 35 – 40 người. Theo phương pháp truyền nghề ngày xưa thì phần lớn các nghệ nhân, mỗi người chỉ được dạy từ 2 – 5 trò. Các con rối trong phường đều do người dân đục đẽo làm lấy. Đến nay mọi người vẫn còn ca ngợi cụ Nhất Liên là người đục ngựa, tễu, bạch long, hồng long cực đẹp. Trước đây, phường rối thường biểu diễn vào năm ngày tết - khi làng vào lễ hội. Hiện nay ở làng dấu tích để lại chỉ còn một ao rối rộng hơn 1 ha (đáng tiếc phường rối đã phôi phai theo năm tháng). Tiết mục biểu diễn rất đa dạng, có khoảng 40 – 50 trò, diễn liền mấy buổi, có nhiều trò tiêu khiển đẹp mắt như: Chạy đàn ngũ phương, tiên cô đội trầu (ra trình làng), tễu giáo đầu, trò tứ linh, phượng múa, song mã tranh tài, bạch long phun nước, hoàng long leo cột phun lửa....
Bên cạnh phường rối nước, trước đây ở làng Kỳ Hội còn có gánh chèo nổi tiếng do ông Phó Khuể làm trùm, với những kép hát chèo nổi tiếng trong vùng như Kép Mãi, kép Dũng, Kép Tí Đen, Kép Tí Cương, ông Quýnh. Gánh hát đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh với những vở chèo cổ: Thị Mầu lên chùa, Từ Thức gặp tiên.... Theo tài liệu “Khảo cứu phong tục” (hiện còn lưu giữ tại Viện nghiên cứu hán Nôm) thì hiện tại ở Kỳ Hội hiện có thờ 11 vị thành hoàng ở đình đền và các miếu quanh làng. Đặc biệt ở đây còn có đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hàng năm dân làng thường mở hàng chục lễ hội, tiêu biểu là lễ tế Thành Hoàng vào mùng 4 tháng giêng âm lịch và ngày mùng 8 làng làm lễ tế, bầy cỗ yến lão để chức dịch làng mời cơm các bô lão và mừng những người lên lão. Đây là tập tục văn hoá (Kính lão đắc thọ) mà ít có địa phương nào trong tỉnh có được. Đặc biệt vào ngày 10/ 2 và 20/ 8 hàng năm làng tổ chức lễ hội long trọng trong 3 ngày để tổ chức tuởng nhớ công ơn đức Thánh Trần và những người con của làng đã từng đi theo Hưng Đạo Vương đánh giặc Nguyên Mông. Trong lễ hội có đốt pháo bông, có hội gậy diễu quanh làng, qua các miếu, sau đó trở về sân đình đấu võ, múa gậy trong tiếng trống và tiếng hò reo sôi động một vùng trời. Sân khấu của làng trong những ngày này sôi động, vọng vang tiếng hát chèo thâu đêm.
Qua những tư liệu trên có thể khẳng địng rằng làng Kỳ Hội đã từng tồn tại một thiết chế văn hoá làng cổ được nhiều thế hệ, nhiều đời gìn giữ và bảo lưu. Vinh dự cho làng Kỳ Hội được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hoá vào cuối năm 2011. Ngày 10/ 2 âm lịch năm Nhâm Thìn, làng Kỳ Hội tổ chức lễ hội đón nhận bằng di tích văn hoá cấp tỉnh cho chùa Hoa Viên. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với rất nhiều trò vui như đấu gậy, đấu vật, thi giã bánh dày, thi hát chèo.... để chào mừng các du khách tới dự lễ hội của làng vào dịp đầu xuân 2012.