Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ)

Cập nhật: 08/03/2012 09:10:43
Số lần đọc: 2514
Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ) không những là lễ hội cổ xưa nhất mà còn mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc vừa thể là nghi thức dân gian cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội độc đáo và cổ xưa nhất

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 16, 17/2 (âm lịch) hàng năm, huyện Phù Ninh lại rộn ràng vào hội.

Theo truyền thuyết, khi các tướng lĩnh của vua Hùng đi săn qua chợ Hàm Rồng (xã Phù Ninh ngày nay) gặp hai con hổ đang đánh nhau, liền lấy giáo mác đâm chết, rồi đem mổ thịt. Do vậy, mỗi năm, tất cả bốn làng gồm: Cão, Phú Mãn, Ngọc Trù, Ngọc Khôi, mỗi làng mua một con trâu cà đen tuyền cho chọi và bày cỗ cúng tế để tưởng nhớ những thợ săn thời các vua Hùng.

Khi mua phải xin âm dương, nếu thánh ứng mới trả tiền. Trâu mua rồi, giáp phải cử người làm mo nuôi. Tuy có bốn trâu nhưng ngày 5/5 chỉ mổ hai con, còn hai con để đến tiệc mùng 10/10.

Đến ngày chợ phiên, dân làng tắm rửa trâu sạch sẽ. Phiên chợ 5/5 cho chọi cả bốn trâu, hai con thua mổ thịt, hai con thắng cuộc vào thi đấu trận chung kết ngày 10/10. Khi mổ trâu làm lễ tế thần, người ta không bày ra bát đĩa mà đựng vào những cái rế tết bằng dây thừng, đan dày và nông, lòng rế có lót lá chuối để bày thịt và đem đặt lên mô đất vuông bằng phẳng ở ngay giữa chợ để làm lễ cúng thần. Cúng xong, mọi người tập trung ăn uống ngay tại chợ.

Trải qua thời gian và tác động của chiến tranh, từ năm 1945 đến năm 2008, lễ hội chọi trâu Phù Ninh không được tổ chức. Đến năm 2009, huyện Phù Ninh khôi phục và tổ chức vào giữa tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc được tỉnh Phú Thọ đưa vào chương trình du lịch Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, gắn với Lễ hội Đền Hùng và Chương trình du lịch về cội nguồn.

Nuôi "ông cầu" lắm gian nan

Để có trâu chọi đạt tiêu chuẩn thi đấu, chủ trâu phải mất khoảng một năm chuẩn bị, từ việc mua trâu cho đến chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện.

Ông Nguyễn Xuân Hà, người có nhiều năm dày công tìm và mua trâu chọi ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh cho biết: Muốn mua được trâu tốt, chủ trâu phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, từ việc chọn độ tuổi, độ mở của sừng, khoáy, chỉ số vòng ngực, chiều dài, chiều cao, cho đến màu da, móng chân, lông, mắt của trâu. Hơn nữa, chủ trâu cũng phải đầu tư nhiều công sức để tìm kiếm mua trâu, có khi lặn lội lên tận Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, có khi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An hay sang Lào...

Ông Hà cho biết thêm, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu rất đặc biệt, khác hẳn so với trâu cày, chủ yếu nhằm giúp trâu có thể lực tốt, đồng thời khôi phục bản năng hoang dã của trâu. Trâu chọi được các chủ trâu trân trọng gọi là “ông cầu” và cư xử như một thành viên trong gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, một chủ trâu chọi có tiếng ở thị trấn Phong Châu: "Nuôi trâu chọi kỳ công, phải biết các kỹ thuật chăm sóc và các miếng đánh. Chuồng trại khi nào cũng sạch sẽ, mùa hè dẫn trâu đi tắm, mùa đông che chắn gió cẩn thận. Nhà nào cũng trồng một ruộng cỏ voi thật lớn, nấu cháo ngô cho trâu ăn. Hàng ngày phải xuống chuyện trò, gãi lưng, xoa đầu, xoa tai chăm sóc để ông khỏe mạnh. Khi người chăm sóc và "ông cầu" đã "tâm đầu ý hợp" thì mới đến lúc "luyện trâu". Lúc chiều muộn người nuôi trâu thường dẫn trâu ra đồng để "luyện sừng" cọ xát với thực tế, thực hành các miếng đánh. Nhưng tuyệt đối không được cho đấu với các trâu khác và không được "tơ tình" với trâu khác".

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh năm nay có 32 trâu, là năm có số lượng trâu chọi lớn nhất từ trước đến nay. Cũng như một số lễ hội chọi trâu ở một số vùng khác, lễ hội chọi trâu Phù Ninh cũng có ba vòng thi đấu: vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Tại mỗi trận đấu, từ hai phía của sới chọi, hai “ông cầu” được dẫn ra cùng lúc, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông cầu” cách nhau khoảng 20m, người dắt rút "sẹo" cho các “ông cầu” rồi nhanh chóng thoát ra ngoài sới chọi. Có nhiều hiệp đấu hay với những miếng võ hiểm, giữ sức, giành miếng tấn công liên tục, kéo dài tới hàng chục phút trước sự cổ vũ náo nhiệt của người xem. Tuy nhiên, theo quan niệm của người dân, ăn thịt trâu chọi sẽ mang lại nhiều may mắn. Vì vậy, tất cả trâu chọi, dù thắng hay thua đều bị chủ xẻ thịt đem bán.

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh, cho biết, huyện đã xây dựng trung tâm lễ hội chọi trâu có sức chứa 40 nghìn người, có tường rào, khán đài theo quy chuẩn sân vận động lớn.

Năm nay, lễ hội chọi trâu Phù Ninh sẽ được tổ chức vào các ngày 16, 17 tháng 2 năm Nhâm Thìn, tức ngày 8, 9-3-2012.

Theo tinh thần “xã hội hóa”, hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe và hạ tầng dịch vụ đã được đầu tư thêm một bước. Các “ông cầu” đang sẵn sàng chờ ngày khai cuộc./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT