Lễ hội đất mường cổ
Sau các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong, đồng chí Lữ Đình Thi, phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện đã nêu lại một số nét chính của lịch sử ngôi đền. Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng, gọi là đền Tến Pỏm (đền trên núi) tại bản Khoẳng (xã Châu Kim).
Ngôi đền có chín gian nên bà con gọi là tến cau hoong (tức đền chín gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường đến tôn thờ: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón. Lúc bấy giờ thờ Thẻ Phà (thờ Trời), Nắng Xỉ Đả (con gái trời). Đến cuối thế kỷ XVIII đền được chuyển đến Pú Pỏm, tục gọi là Pú Quái (núi trâu), hay còn gọi là đền hiến trâu (tến xớ quái), thuộc bản Piếng Chào (xã Châu Kim). Đền làm bằng nhà sàn chín gian lợp nứa. Tại đây đền thờ Thẻn Phà (thờ trời), Nắng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường).
Năm 2004, UBND huyện Quế Phong đã quyết định khởi công phục dựng đền Chín Gian, nhằm bảo tồn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.
Năm 2008, Đền được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Và từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại. Lễ hội diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. Và năm 2012 này là năm thứ 7 lễ hội liên tục được tổ chức.
Hồi trống khai hội Đền Chín Gian năm nay do đồng chí Trần Quốc Thành, Bí thư Huyện ủy gióng lên, chính thức khai ngày hội lớn của huyện địa đầu miền Tây Bắc xứ Nghệ. Nhiều hoạt động của lễ hội đã được tiếp nối. Phần Lễ gồm có Lễ khai quang, lễ yết cáo (lễ khẩy quan), Lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), Lễ chém trâu (Lễ phắn Quái), Lễ đại tế (Lễ xớ Thẻ, xớ Đăm), lễ khai mạc và lễ tạ (Lễ chả ơn – Thào quan). Về phần hội gồm các hoạt động thi hội trại với bản sắc nhà sàn Thái cổ; Các trò chơi dân gian như nhảy sạp, tò le, ném còn; Hội thi gói bánh chưng, thổi cơm lam, thi mâm ẩm thực của các xã thị trấn; hoạt động văn nghệ gồm thi đánh đánh trống, cồng, chiêng, khắc luống và hát xuổi nhuôn đối đáp, thi văn nghệ, thi người đẹp lễ hội; bên cạnh đó là thi các môn thể thao dân tộc như chọi gà, tò lẹ, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thể, đi cà kheo.v.v…