Cao Phong (Hòa Bình): Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, Huyện ủy đã ban hành NQ số 10 về phát triển du lịch, TD-TT, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015. Sau khi có NQ, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp quản lý hoạt động du lịch và giải quyết các vấn đề liên quan; lập kế hoạch từng giai đoạn cho việc phát triển du lịch và lập dự án thu hút đầu tư. Đồng thời, tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch gắn với tổng hợp tình hình đầu tư phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn. Theo đó, huyện đã quy hoạch 3 tuyến du lịch: Bình Thanh - Thung Nai - hồ sông Đà với làng cổ dân tộc Mường, Dao, khu di tích lịch sử cách mạng đền Bờ, khu sinh thái hồ Hòa Bình; tuyến Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập, Yên Thượng thăm di tích lịch sử chùa Quèng Ang, vườn hoa Núi Cối, chùa Khánh và các bản Mường; tuyến thị trấn - Xuân Phong với loại hình du lịch vườn, thăm hồ Cạn Thượng, bản làng truyền thống xóm Cạn 1, Cạn 2, Mừng (xã Xuân Phong). Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành và nhân dân về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; xây dựng các chương trình tuyên truyền, quảng bá; phát triển sản phẩm du lịch truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan...; khôi phục lễ hội của các dân tộc như: hội xuống đồng, hội chùa Khánh, hội Đền Bờ, Tết Nhảy của người Dao... Đầu tư xây dựng CSHT kỹ thuật: đường giao thông, điện, y tế, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, VSMT, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ... Toàn huyện hiện có 5 nhà nghỉ, 1 khách sạn, 1 bản du lịch cộng đồng với 38 phòng nghỉ và 50 lao động trực tiếp. Ngoài ra, huyện tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để thu hút đầu tư du lịch như cấp đất, cấp phép xây dựng, GPMB; giữ vững ANTT, ATGT, quản lý tốt các đơn vị, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch, đảm bảo VSATTP.
Từ những giải pháp đó, nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, ngành, nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện. Hệ thống kết cấu hạ tầng, CSVC kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư; công tác xúc tiến quảng bá du lịch được chú trọng đã huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và bước đầu đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Từ đó tạo ra được những sản phẩm thu hút du khách trong, ngoài nước, chất lượng dịch vụ tăng lên. Hoạt động du lịch những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương, bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu năm 2002, doanh thu du lịch chỉ đạt 295 triệu đồng thì năm 2011 đạt 4,8 tỉ đồng với 95.363 lượt khách. Du lịch đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ.
Để tiếp tục thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển, huyện đã đề ra những nhiệm vụ chính: rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể đến năm 2015; lựa chọn loại hình du lịch chủ yếu nhằm phát huy tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa như du lịch lễ hội, văn hóa, tâm linh, sinh thái, miệt vườn...; hình thành tuor, tuyến du lịch phù hợp, hấp dẫn, chất lượng; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; xây dựng, quảng bá tiềm năng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Huyện cũng đang tiến hành triển khai xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch sinh thái núi Đầu Rồng tại khu 3, thị trấn Cao Phong. Với những định hướng cụ thể, sát thực hứa hẹn trong thời gian tới, Cao Phong sẽ là điểm hẹn hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.