Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Gia Viễn chú trọng khai thác tiềm năng du lịch

Cập nhật: 09/03/2012 14:50:24
Số lần đọc: 2606
Là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, những năm qua, huyện Gia Viễn đã có những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch. Từ đó tạo động lực thúc đẩy quá trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Ông Hoàng Văn Tác (du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi được nghe nói nhiều về chùa Bái Đính, hôm nay mới có dịp đến tham quan, tôi thấy phong cảnh thiên nhiên ở đây rất đẹp, đặc biệt ngôi chùa rất hoành tráng.
 
Với chị Trịnh Phương Hoa (du khách Hà Nội) lại rất ấn tượng khi được trải nghiệm với loại hình du lịch cộng đồng (homestay) khi đến với Vân Long. Chị Hoa chia sẻ: Thật thú vị khi tôi được trực tiếp sống và làm những công việc và cuộc sống thường ngày của người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy là người con đất Bắc nhưng những người trẻ tuổi như tôi chưa bao giờ xắn quần, lội ruộng đi cấy, bắt cua, bắt ốc... Đây cũng là dịp để tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống của quê hương.
 
Để có được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi đến tham quan, chiêm bái như ông Tác, chị Hoa là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các xã có điểm du lịch trong huyện Gia Viễn trong việc tuyên truyền, phát triển kinh tế du lịch. Hiện nay, huyện Gia Viễn có 2 khu du lịch trọng điểm là chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long và hơn 10 điểm du lịch tâm linh, danh lam thắng cảnh, hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong nước và khách quốc tế đến tham quan, chiêm bái.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2011, du lịch Gia Viễn ước đón gần 2 triệu lượt khách, chiếm 55% tổng lượng khách của cả tỉnh. Trước sự phát triển đó, huyện đã xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
 
Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Gia Viễn đã có kế hoạch cụ thể về phát triển du lịch. Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức về văn minh du lịch, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhất là thái độ giao tiếp cho đội ngũ những người làm du lịch địa phương. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được chú trọng, từng bước để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách đến tham quan.
 
Huyện Gia Viễn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và hoàn thiện các khu du lịch trên địa bàn như chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, khu Kênh Gà - Vân Trình… Đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách, như loại hình du lịch cộng đồng (du lịch tại nhà dân) du lịch sinh thái... Qua đó, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền trống của dân tộc, của quê hương, vừa thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Ninh Bình.
 
Trước sự phát triển của các loại hình du lịch hiện nay, cái khó đối với huyện Gia Viễn chính là cơ sở vật chất phục vụ du khách ăn, nghỉ và các tour du lịch đi kèm như đưa du khách được thưởng thức văn hóa, tham quan các làng nghề truyền thống của địa phương vẫn còn hạn chế. Hiện nay, toàn huyện mới có 25 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao... Vì vậy, lượng khách quốc tế lưu trú lại địa phương còn ít, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
 
Để phát triển du lịch theo hướng bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng của ngành công nghiệp không khói, trong thời gian tới, huyện Gia Viễn xác định phải quan tâm nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú đạt chuẩn quốc tế cũng như chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, Gia Viễn đang hướng tới việc xây dựng và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương thông qua việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống như: thêu ren, mây tre đan, mộc... và các giá trị văn hóa của địa phương để thu hút du khách. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các khu du lịch trọng điểm như: chùa Bái Đính, Động Thung Lau - Thung Lá, tuyến Kênh Gà - Vân Trình và tiếp tục phát triển một số sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách như du lịch sông nước, du lịch cộng đồng... nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương./.
Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục