Yên Bái khai thác thế mạnh địa danh lịch sử
Nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về đất nước, con người Nghĩa Lộ với các tỉnh bạn và du khách gần xa, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân đồng thời thúc đẩy phát triển các tour, tuyến du lịch, giá trị các sản vật, sản phẩm du lịch của địa phương.
Để thu hút du khách, nhiều hoạt động trong chương trình du lịch được tổ chức như Hội chợ Thương mại - Du lịch Mường Lò, Triển lãm ảnh, Hội trại du lịch “Sắc xuân Mường Lò ”, các hoạt động thể thao dân tộc, các tour đến các điểm du lịch... Đặc biệt, Chương trình “Du lịch về cội nguồn" 2011 của 3 tỉnh được tổ chức tại Nghĩa Lộ với qui mô lớn, hoành tráng.
Du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa như: thăm làng dệt thổ cẩm truyền thống, dự đêm hội Hạn Khuống, vui hội Lồng Tồng; đêm về nồng say trong vòng đại xòe hàng ngàn người quanh đuốc lửa hồng, được thưởng thức các món ăn dân tộc như: xôi nếp ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, rêu suối…khiến cho du khách không chỉ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác mà còn như tìm thấy bóng dáng cội nguồn thuở sơ khai.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Văn hoá thị xã Nghĩa Lộ, Chương trình "Du lịch về cội nguồn" đã tạo cho thị xã hướng đi đúng trong khai thác du lịch, khôi phục, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc. Đồng thời qua đó, các cấp, các ngành và nhân dân sẽ có ý thức trong phát triển du lịch lâu dài. Các hoạt động du lịch cũng đã tác động lớn đến phát triển của địa phương, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều nhà hàng, khách sạn được xây dựng và hoạt động có hiệu quả, qua đó tạo thêm nhiều việc làm mới, ngành nghề mới cho địa phương.
Dẫu thế nhưng đang có một thực tế là phần lớn khách du lịch đến đây đều không có ý định quay trở lại. Các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh cũng chưa bao giờ có ý định mở tour du lịch đến Nghĩa Lộ - Mường Lò! Bởi một lẽ, các hoạt động du lịch còn đơn điệu không có sự kết hợp giữa các điạ phương.
Hơn nữa, từ trước đến nay, cách làm du lịch của các huyện, thị phía tây vẫn chỉ là thỏa mãn nhu cầu của khách thông qua những lễ hội mùa xuân. Điều này rất khó khăn do các lễ hội chỉ diễn ra vào một dịp trong năm và để tổ chức được một lễ hội rất công phu, tốn kém.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu các địa phương trong vùng đang thiếu cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng, thế mạnh ? Cũng bà Đỗ Thị Thanh Nga cho biết: Xác định được vấn đề này, thị xã đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững với thế mạnh là mang trong mình cả một giá trị lịch sử cách mạng.
Nếu du khách đến với Nghĩa Lộ có dịp đến thăm Khu di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ - công trình được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, được nghe chuyện tác giả bài hát "Cùng nhau đi hồng binh" và những gì xảy ra trong nhà tù Căng - Đồn Nghĩa Lộ thì vẫn còn ít biết đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để đến thăm viếng và lắng nghe những câu chuyện kể về Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.
Ông Hà Chấn - Giám đốc Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã được giao cho Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ chí Minh thị xã Nghĩa Lộ quản lý và được xây dựng trở thành quần thể di tích cách mạng. Cán bộ Khu di tích đang tập hợp tài liệu để hướng dẫn khách tham quan được biết những câu chuyện về chiến sỹ cách mạng đã bị giam cầm ở đây.
Chị Phạm Thị Duyên - hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ cho biết thêm: Tại Căng Nghĩa Lộ, Chi bộ nhà tù đã được thành lập và có kế hoạch tuyên truyền vận động cách mạng. Đồng chí Trần Huy Liệu, người thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945, lúc đó là Bí thư chi bộ nhà tù. Trong nhà tù, Chi bộ đã quyết định ra Báo "Đường Nghĩa" do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút để tuyên truyền cách mạng và hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên.
Báo phát hành tới từng tổ đảng và tới quần chúng. Nội dung của báo nhằm vạch trần tội ác của Nhật và Pháp; thông báo tin tức, phổ biến một số kinh nghiệm xây dựng và phát triển cơ sở Đảng.
Nhờ có báo này, tình hình trong nước, thế giới, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh, những gương chiến đấu vì dân, vì nước, sự phát triển của phong trào cách mạng của các địa phương đã được truyền đạt tới cơ sở góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và cũng thông qua đó, đường lối của Đảng được phổ biến và thấm sâu vào quần chúng góp phần củng cố các cơ sở Đảng ngày một vững vàng.
Cũng tại đây đã diễn ra cuộc nổi dậy của các chiến sĩ làm cho giặc Pháp hoang mang, lo sợ, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong vùng. Chị Duyên cũng cho biết, chị và các đồng nghiệp đang đi sưu tầm tài liệu về cố nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Nhu - tác giả của bài hát “Cùng nhau đi hồng binh”.
Ngay từ khi ra đời, bài hát đã được đông đảo quần chúng nhân dân và các chiến sĩ cách mạng đón nhận với một tình cảm đặc biệt, góp phần khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong trái tim mỗi người con đất Việt. Qua đó giúp cho thế hệ sau luôn thấy được ý chí kiên cường của người cách mạng qua bài hát trong ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Hiện nay, thị xã đã tổ chức tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu loại hình du lịch này ở Mường Lò, hướng dẫn kĩ năng và khuyến khích người dân đầu tư cơ sở vật chất tham gia làm du lịch, lập địa chỉ đầu mối đón tiếp khách và tiếp nhận thông tin của khách, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chính là người dân tộc thiểu số tại nơi làm du lịch.
Nhưng thị xã cũng cần xây dựng một chiến lược phát triển du lịch với các địa danh cách mạng một cách có hệ thống khi du khách đi thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ, tượng đài chiến thắng, nhà tưởng niệm 408 liệt sĩ đã hy sinh, qua đó tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng với những chiến công vĩ đại của nhân dân các dân tộc Mường Lò. Đây mới là nhu cầu khám phá của du khách khi đến Nghĩa Lộ - Mường Lò.