Đông Triều (Quảng Ninh): Vùng đất giàu tiềm năng du lịch văn hoá, tâm linh
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, bằng các nguồn vốn từ ngân sách, xã hội hoá, nhiều hạng mục, công trình của các di tích trên địa bàn huyện đã được trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang. Tiêu biểu như công trình trùng tu, tôn tạo chùa Non Đông với tổng kinh phí 3,54 tỷ đồng; chùa Mỹ Cụ 3,1 tỷ đồng; chùa Phúc Lâm 3,1 tỷ đồng; đình chùa Hổ Lao 15,93 tỷ đồng; ngoài ra còn chùa Bắc Mã đang được tiếp tục đầu tư xây dựng cổng tam quan, tháp chuông, hệ thống mái chùa chính với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng… Bên cạnh đó, để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch, huyện Đông Triều đã chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các khu di tích, nhiều tuyến đường đã được bê tông hoá, như tuyến đường cầu Cầm vào di tích chùa Mỹ Cụ, tuyến đường từ đền An Sinh vào các lăng miếu vua Trần, tuyến đường Tân Việt vào chùa Quỳnh Lâm. Thêm nữa, một số dự án mở rộng, đầu tư nâng cấp đường giao thông gắn kết khu dân cư và một phần phục vụ du lịch cũng đã và đang được triển khai, như tuyến đường thị trấn Đông Triều vào đền An Sinh và khu lăng miếu các vua Trần dài 18,5km; tuyến đường gắn kết du lịch văn hoá tâm linh từ khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí) đi Tràng Lương (Đông Triều); tuyến đường từ di tích Bắc Mã đi vào di tích đình, chùa Hổ Lao… tạo điều kiện cho người dân địa phương và du khách đi lại dễ dàng hơn.
Cùng với việc đầu tư cơ sở, vật chất để phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống của Đông Triều đã và đang được đầu tư phát triển mạnh. Đặc biệt, là việc mở rộng các điểm dừng chân của khách du lịch tham quan mua sắm hàng gốm sứ mỹ nghệ tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện dọc theo tuyến quốc lộ 18A, thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 điểm dừng chân du lịch gắn với việc tham quan các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có 4 điểm được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cấp biển hiệu “Điểm dừng chân du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”. Tại các điểm dừng chân du lịch của các Công ty CP Thành Đồng, TNHH Thành Tâm 68, Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh, CP Thái Sơn 88 đều gắn với các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ở đây, luôn có các sản phẩm gốm thô để khi khách du lịch vào tham quan có thể yêu cầu vẽ các tranh dân gian hình ảnh, thậm chí vẽ cả chân dung vào sản phẩm hoặc khách du lịch có thể tự vẽ, thuê vẽ và ký tên vào sản phẩm trước khi mua hàng. Khi khách du lịch tiếp tục hành trình đi tham quan các điểm du lịch khác, sau khi quay về vào nhận sản phẩm đó từ lò ga. Đây là loại hình dịch vụ du lịch được nhiều du khách rất thích thú.
Theo kết quả thống kê, lượng khách du lịch đến Đông Triều ngày càng tăng, mỗi năm Đông Triều đón khoảng trên 1 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2001-2005. Trong đó, khách đến các điểm dừng chân du lịch khoảng trên 800 nghìn lượt, khách về dự lễ hội và tham quan các di tích lịch sử khoảng 200 nghìn lượt người.
Được biết, để tạo điều kiện cho du lịch Đông Triều phát triển, địa phương đang tập trung chú trọng phát triển 2 loại hình du lịch, đó là du lịch tâm linh và du lịch làng nghề. Theo đó, Đông Triều sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển du lịch theo định hướng các sản phẩm du lịch có lợi thế (như Du lịch tâm linh gắn với các di tích văn hoá, lịch sử chẳng hạn). Đông Triều sẽ đầu tư, tôn tạo các hạng mục di tích, xây dựng các tuyến du lịch tâm linh, kết nối hệ thống lăng mộ nhà Trần với hệ thống di tích Yên Tử… Đồng thời, đầu tư phát triển, mở rộng các điểm dừng chân du lịch gắn với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương. Cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện cho tư nhân xây dựng các nhà hàng khách sạn, giữ chân du khách ở lại lâu hơn…