Hoạt động của ngành

Tiềm năng du lịch văn hoá ở Vân Đồn, Quảng Ninh

Cập nhật: 26/06/2012 09:59:03
Số lần đọc: 1926
Nói đến Vân Đồn, chắc hẳn nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh đẹp tự nhiên độc đáo, thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, tắm biển, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ngoài những ưu đãi của thiên nhiên, Vân Đồn còn có những tiềm năng thế mạnh khác, đó chính là tiềm năng du lịch văn hoá.

Hiện Vân Đồn đang sở hữu kho di sản văn hoá vô giá với những dấu vết của người tiền sử, những di sản văn hoá phi vật thể vùng miền, di tích lịch sử văn hoá dân tộc. Trong đó, trước hết phải kể đến đó là thương cảng Vân Đồn, từ xa xưa đã nổi tiếng với những sản phẩm quý hiếm, đồng thời cũng là một trong những xuất phát điểm con đường tơ lụa trên biển.

Đua thuyền trong lễ hội Quan Lạn

Thương cảng Vân Đồn có một vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của Việt Nam nói chung và vùng đất Quảng Ninh nói riêng. Trên vùng biển Vân Đồn xưa, người Quảng Ninh đã khai thác và phát huy được thế mạnh của một vùng biển giàu có với những nguồn lâm, hải sản quý phục vụ cuộc sống và nhu cầu giao lưu, xuất khẩu. Các hoạt động giao lưu trong nước, quốc tế đó đã biến vùng biển đảo này thành khu dân cư đông đúc trù phú. Với một lượng hàng hoá lớn và quan trọng được trao đổi, thương cảng Vân Đồn đã tạo đà cho nền kinh tế, văn hoá xã hội Việt Nam phát triển, hội nhập với thế giới bên ngoài. Hoạt động của thương cảng Vân Đồn còn góp phần làm phong phú thêm nguồn lực tri thức, kho tàng văn hoá của cư dân vùng biển đảo.

Không chỉ có dấu ấn về giao thương, buôn bán, di tích thương cảng Vân Đồn còn chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống giặc ngoại xâm. Sau khi thương cảng Vân Đồn được hình thành từ thời Lý đến thời Trần phát triển tới hưng thịnh. Hiện di tích thương cảng cổ Vân Đồn đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Ngoài hệ thống thương cảng cổ ở Vân Đồn xưa, các thương gia và các lớp cư dân còn đóng góp công xây dựng nên nhiều di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân biển đảo, chủ yếu sống bằng nghề khai thác biển và nuôi trồng thuỷ sản. Các công trình kiến trúc tôn giáo đó cũng đồng thời mang đậm bản sắc văn hoá của người Việt, ghi nhớ công ơn những người có công trong lịch sử dân tộc. Đó là các ngôi chùa thờ Phật, đền, miếu như: Chùa Lấm, chùa Cây Quéo nằm ở phía Tây, đảo Cống Đông, chùa Quan Lạn, nghè Trần Khánh Dư, đình Vân Hải, đình Quan Lạn (Quan Lạn)… các công trình văn hoá, tín ngưỡng này đã được kiến dựng, tồn tại và gắn liền với sự phát triển lịch sử của khu thương cảng, phục vụ đời sống tinh thần và là một trong những giá trị thiêng liêng, vô giá của cư dân biển đảo. Tuy nhiên, do tác động của thời gian cũng như sự biến động của lịch sử, sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, hầu hết các khu di tích này đều bị phá huỷ và một số đã được tiến hành trùng tu lại.

Trong khu vực thương cảng Vân Đồn còn có nhiều các di tích lịch sử ghi đậm dấu ấn văn hoá của người Việt cổ, các di tích gắn với chiến công của quân và dân ta từ cuộc kháng chiến thế kỷ XIII cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu cho các khu di tích này là: Hang Soi Nhụ, hang Hà Giắt, Đấu Đong Quân v.v.. Vì những giá trị nổi bật, các di tích thời tiền sử, sơ sử ngay từ những năm đầu TK XX, một số nhà nghiên cứu người Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản… đã quan tâm khảo cứu. Toàn bộ các di tích này có mối quan hệ khăng khít và hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành một tuyến tham quan, khảo cứu du lịch sinh thái và lịch sử văn hoá - tâm linh rất phong phú.

Cùng với những giá trị lịch sử của thương cảng Vân Đồn cộng với hệ thống các di tích, lễ hội văn hoá nổi bật trên quần đảo Vân Hải kết hợp với một hệ thống đền, chùa trên quần đảo Cái Bầu sẽ là cơ sở để hình thành các tuyến tham quan du lịch văn hoá gắn với du lịch sinh thái biển đảo, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của huyện Vân Đồn. Để rút ngắn thời gian di chuyển, khoảng cách giữa các xã trên tuyến đảo, hệ thống vận chuyển khách đi các tuyến đảo đã không ngừng được đầu tư nâng cấp, tăng cả số lượng và chất lượng. Hiện nay Vân Đồn đã có 9 tàu cao tốc từ 26-50 chỗ ngồi, 20 tàu gỗ phục vụ khách đi lại các tuyến đảo. Ngoài các tuyến Quan Lạn, Minh Châu đã có nhiều tuyến mới được đưa vào khai thác. Riêng hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch tại các xã trên tuyến đảo đã chiếm 48% (575/1.210 phòng) tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện đảo Vân Đồn. Tất cả những điều này đã tạo nên một sắc thái riêng cho du lịch huyện đảo Vân Đồn...

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục