Hoạt động của ngành

Bắc Giang: Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái

Cập nhật: 26/06/2012 15:24:15
Số lần đọc: 2034
Cùng với du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề…, du lịch sinh thái đang được nhiều người quan tâm và lựa chọn. Bắc Giang có lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái song thực tế tài nguyên này đang bị bỏ ngỏ.

Du khách khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của cao nguyên Đồng Cao (Sơn Động). Ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: "Bắc Giang có tiềm năng phong phú để phát triển du lịch sinh thái, những tài nguyên đó còn khá nguyên sơ và chưa bị can thiệp lớn từ con người, nếu khai thác tốt sẽ là cơ hội để tỉnh thu hút các dự án đầu tư, tạo sự hấp dẫn khách du lịch, qua đó phát triển KT-XH". Sở hữu các khu rừng nguyên sinh rộng lớn, những hồ nước bao la, thác nước đẹp, sự đa dạng sinh học cùng hàng nghìn ha vườn cây ăn quả, trong đó tiêu biểu như khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Suối Mỡ, suối Rêu, hồ suối Nứa, suối Nước Vàng (Lục Nam); hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, diện tích vườn đồi trồng cây ăn quả lớn (Lục Ngạn); rừng Khe Rỗ, hồ Khe Chão, thác Ba Tia, Đồng Thông, thác Ba Tầm, Ba Tia, cao nguyên Đồng Cao (Sơn Động)… Thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Động) mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Tại đây có hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, nhiều loại gỗ quý như lim, táu, sến, thông làng, trám, dẻ, bách diệp… Đặc biệt loại cây pơmu thường mọc ở độ cao 1.200- 1.400m nhưng tại Khe Rỗ phát triển mạnh ở độ cao khoảng 600-700m, ngoài ra là bạt ngàn tre trúc, hoa dại, những trảng cây bụi hay thân gỗ cổ thụ giữa rừng già. Theo các nhà khoa học, Khe Rỗ rất thích hợp cho du khách thích mạo hiểm, khám phá sự kỳ thú của thiên nhiên hoang dã.

Nói đến du lịch sinh thái của Bắc Giang, không thể không nhắc đến hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), đó là điểm đến cuối tuần khá lý thú, được nhiều người lựa chọn, hồ có diện tích khoảng 2.650ha, chiều dài 25km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, đây được xem là máy điều hòa không khí khổng lồ cho miền sơn cước Lục Ngạn. Sóng nước mênh mông gắn với thiên nhiên nguyên sơ, khí hậu trong vùng quanh năm ôn hòa, dịu mát, lại thêm lòng hồ bao la cho cá tôm nhiều là yếu tố hấp dẫn khó có thể bỏ qua khi đi du lịch đến đây. Chính sự vắng vẻ, bình dị và tĩnh lặng ấy đã lôi cuốn ngày càng nhiều du khách tìm đến Cấm Sơn, đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, Lục Ngạn còn hồ Khuôn Thần, có diện tích khoảng 240ha với 5 đảo nhỏ, xung quanh là những thảm thông, keo và các khu vườn vải thiều rộng lớn... đang được đầu tư hạ tầng, dịch vụ… hứa hẹn đem lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách trong tương lai.

Ông Đỗ Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, mặc dù có thế mạnh song do nhiều nguyên nhân, tài nguyên du lịch sinh thái tại Bắc Giang chưa được khai thác hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại từ loại hình du lịch này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hoạt động tại các khu, điểm du lịch sinh thái kém sôi động, chưa thực sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nguyên nhân do thiếu sự đầu tư đồng bộ, cơ sở hạ tầng thấp kém, dịch vụ vui chơi giải trí hạn chế, cộng thêm nhân lực làm du lịch của tỉnh vừa thiếu lại yếu, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng nhu cầu, cả tỉnh chưa có khách sạn ba sao. Đã vậy, hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch chưa được quan tâm xứng đáng… Những hạn chế trên là nguyên nhân khiến du lịch sinh thái Bắc Giang mới dừng lại ở dạng tiềm năng. Cũng theo ông Đỗ Đức Thành, để loại hình du lịch này thực sự hấp dẫn du khách cần xác định đó là chiến lược dài hơi (theo các chuyên gia về du lịch, trung bình phải mất khoảng 5 - 10 năm để xây dựng hoàn chỉnh một sản phẩm du lịch). Do vậy thời gian tới cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch... Trước mắt, từ nay đến năm 2015, tỉnh ưu tiên đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, Suối Mỡ, Khe Rỗ, Đồng Thông (Sơn Động); hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần… gắn phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái theo hướng bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Với những giải pháp thiết thực đó, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch sinh thái Bắc Giang sẽ trở thành một thương hiệu được đông đảo du khách biết đến./.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục