Hoạt động của ngành

Thừa Thiên-Huế xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật: 27/06/2012 10:01:21
Số lần đọc: 2657
Hướng đến Năm Du lịch Quốc gia 2012 và mục đích phát triển du lịch bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng nhiều đề án, định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù của Huế.

Phát triển du lịch cộng đồng tại cầu ngói Thanh Toàn

Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng” được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế phối hợp thực hiện. Địa điểm đầu tiên được chọn là Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thanh Thuỷ- Hương Thuỷ) với tuor du lịch "Chợ quê ngày hội". Đây từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các doanh nghịêp lữ hành du lịch, nhất là trong mỗi kỳ Festival Huế. Điểm du lịch làng quê này được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân địa phương được tập huấn cách làm du lịch và có thu nhập thêm từ các dịch vụ.

 

Loại hình du lịch Home stay gắn với làng cổ Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền) cũng được chú trọng đầu tư, phát triển. Cùng với hệ thống các di tích đình, chùa, miếu, di tích chăm pa, nghề gốm truyền thống, làng còn có gần 40 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn (trên 100 năm tuổi).


Mô hình du lịch cộng đồng “kinh doanh du lịch cùng người nghèo” tuy mới nhưng cũng trở nên hấp dẫn với nhiều du khách. Loại hình du lịch này chủ yếu được thành lập ở vùng nông thôn, miền núi, nơi thu nhập người dân còn thấp và điều kiện sinh hoạt còn hạn chế. Mục đích của loại hình này nhằm gắn kết những người dân có thu nhập thấp trong vùng vào chuỗi giá trị du lịch của trung tâm với tư cách là người làm công và người cung cấp các sản phẩm thủ công, theo hướng cùng có lợi, vừa tăng doanh thu cho doanh nghiệp vừa tăng thu nhập cho cộng đồng.

 

Đối với các làng nghề, đây là cách tiếp cận nhanh nhất, hấp dẫn nhất để bán các sản phẩm, nhất là hàng thủ công, mỹ nghệ truyền thống, hàng lưu niệm đối với khách du lịch. Đây cũng là hướng đi mới trong chiến lược phát triển du lịch của Thừa Thiên-Huế, hướng đến mục tiêu đón ba triệu khách du lịch vào năm 2015.

 

Nâng cấp dịch vụ xích lô

Trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức 3 đoàn Famtrip, đưa hàng chục hãng lữ hành trong nước, quốc tế khảo sát các tuyến, điểm du lịch ở Huế, bao gồm hệ thống di sản gắn với quần thể di tích Cố đô, các sản phẩm mới xây dựng và nâng cấp như làng cổ Phước Tích, Khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Tân, làng nghề Đông Kinh, võ Vạn An và một số khách sạn mới được xây dựng.

 

Theo đó, khoảng 200 xích lô trên địa bàn TP Huế sẽ được đầu tư nâng cấp mẫu mã, trang phục, tranh bị kiến thức cho đội ngũ xích lô nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng tour, tuyến, kịp đi vào hoạt động trong mùa du lịch quốc tế 2012, bắt đầu từ tháng 10 tới.

 

Tham quan gắn với mưa Huế

Dựa vào điều kiện tự nhiên gắn với những đặc trưng của Huế, đề án xây dựng sản phẩm du lịch gắn với mưa cũng được nhận định là khá đặc biệt và hấp dẫn. Theo đó, du khách sẽ được tham gia các tour tham quan du lịch phù hợp, gắn với thưởng thức cảnh quan Huế vào những ngày mưa với các hoạt động du ngoạn ngoài trời, dạo chơi dưới mưa bằng các phương tiện xe đạp, xích lô, thuyền rồng… Một số tour, tuyến mẫu được gợi ý như tour tham quan Phường Đúc - Hổ Quyền - Điện Voi ré - Đồi Vọng Cảnh - Lăng Thiệu Trị - Tự Đức bằng xe đạp với điểm nhấn là làng nghề Đông Kinh và nhà hàng Mộc Miên. Với lối kiến trúc gỗ và nhà kính, không gian ấm áp của Mộc Miên được cho là điểm dừng chân lý tưởng, phù hợp với cảnh quan mưa Huế. Hay tour Nam Giao - Thiên An - hồ Thủy Tiên với điểm nhấn là hồ Thủy Tiên sẽ xây dựng công viên mưa, hệ thống vườn nhạc mưa, dịch vụ vui chơi dạo mưa, nghe mưa, ăn uống và nghỉ ngơi tại các khu nhà nghỉ triền đồi... trên cơ sở vật chất có sẵn tại hồ Thủy Tiên.

 

Với loại hình xích lô, có thể xây dựng các tour tham quan di tích, danh thắng gắn với Đại Nội - Hồ Tịnh Tâm - Nhà rường Tịnh Tâm Kim Cổ - Nhà vườn Ý Thảo - Bảo tàng lịch sử - cách mạng - Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình hay dạo mưa trên tuyến Đinh Tiên Hoàng - Đoàn Thị Điểm - đường 23 tháng 8 với điểm nhấn ngắm mưa tại lầu Tứ Phương Vô Sự. Với loại hình du lịch thuyền rồng, có thể hình thành tour du thuyền ngắm mưa Huế dọc sông Hương, lên Cồn Dã Viên, đến Chùa Thiên Mụ, xuôi về Cồn Hến.

Cũng có thể kết hợp du thuyền - ô tô tham quan đầm phá Tam Giang - Cầu ngói Thanh Toàn - Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hoặc trải nghiệm các làng nghề truyền thống như hoa giấy Thanh Tiên - tranh làng Sình - chạm khắc Mỹ Xuyên - gốm Phước Tích - làng nón Tây Hồ...

Đồng thời, đề án đưa ra một số ý tưởng xây dựng các sản phẩm du lịch trong mưa như : khôi phục lại các nhà rường cổ ở Huế ; sắp đặt các khu nhà rường tại hai bờ sông Hương, dọc đường Lê Duẩn nhằm tạo thêm các không gian ngắm mưa ; thiết kế các tuyến du lịch đi dạo dưới mưa, công viên mưa dọc bờ sông Hương, các tuyến đi bộ Nguyễn Đình Chiểu - Công viên Thượng Bạc kết hợp với không gian nghệ thuật sắp đặt, triển lãm tranh với chủ đề mưa, tổ chức các gian hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ; đầu tư xây dựng điểm trú mưa, ngắm mưa và nghe mưa ven bờ sông Hương với thiết kế mới lạ. Với hạ tầng này, du khách có thể tự do tham quan, dạo chơi dưới mưa Huế tại các con đường đi bộ với không gian nghệ thuật sắp đặt, mua sắm, tham quan các cuộc triển lãm về chủ đề mưa Huế, thưởng trà, khám phá ẩm thực...

 

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đến nay đã phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng được 8 tour du lịch đưa vào khai thác; hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng tại Phước Tích (Phong Hòa), Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi - Phú Vang), Hà Úc (Vinh Thanh - Phú Vang)... Các lễ hội gắn với tiềm năng biển, đầm phá như Thuận An biển gọi, Sóng nước Tam Giang, Lăng Cô huyền thoại biển được tổ chức đã góp phần quảng bá du lịch, thu hút du khách đến Huế trong năm Du lịch Quốc gia 2012./.

 

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục