Hoạt động của ngành

Khởi sắc Tân trào, Tuyên Quang

Cập nhật: 16/08/2012 08:57:27
Số lần đọc: 2273
Trong nắng vàng của những ngày Tháng 8 lịch sử, chúng tôi trở về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) - nơi Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước.

67 năm trôi qua, chính quyền và nhân dân “Thủ đô kháng chiến” không chỉ phát huy truyền thống cách mạng, đề cao trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn tốt Di tích lịch sử Tân Trào mà còn tạo nên sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Suối nguồn cách mạng

 

Đến với Tân Trào, đi trên con đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang vượt sông Lô qua cầu Nông Tiến, chúng tôi như cảm nhận được niềm hạnh phúc hân hoan của chính quyền và nhân dân địa phương bởi hai bên đường là rực rỡ cờ hoa, băng-rôn khẩu hiệu chào đón sự kiện công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Anh Lương Xuân Quang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Sơn Dương phấn khởi nói:

 

- Tất cả những địa danh, di tích trên quê hương Tân Trào tự nó đã khẳng định giá trị của một di tích quốc gia đặc biệt. Thế nên, quyết định của Thủ tướng Chính phủ lần này là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ Di tích Tân Trào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang. Đó là niềm vinh dự, tự hào chung của chúng tôi!

 

Vẫn còn đó vẹn nguyên không gian, giá trị lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi địa danh gắn liền với những sự kiện của 9 năm kháng chiến thần kỳ và của những ngày đầu chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám: Đình Thanh La, hang Thia, hang Bòng, hầm An toàn của Bác Hồ, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…

 

Dừng chân bên Đình Tân Trào, chị Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng hướng dẫn (Ban quản lý Khu di tích Lịch sử văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào) giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về những sự kiện lịch sử liên quan đến di tích này. Đó là những ngày 16 và 17-8-1945, Bác Hồ và Trung ương Đảng triệu tập Quốc dân Đại hội, phát động phong trào giải phóng dân tộc và thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh Pháp, đuổi Nhật, lập nên chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự kiện, Bác Hồ đứng trước Đình Tân Trào, bên dòng suối Khuôn Pén (sáng 17-8-1945) đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. 

Và cũng từ lời thề ấy, từ mái đình Tân Trào này, phong trào cách mạng lan ra, sục sôi khắp cả nước. Cũng chính từ chiếc nôi cách mạng Tân Trào những chủ trương, đường lối như suối nguồn “chảy” đến mọi miền Tổ quốc, soi rọi, dẫn đường cho Cách mạng Tháng Tám đi đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Bức tranh mới về Tân Trào

 

Đến Tân Trào hôm nay, sự đổi thay nhìn thấy rõ, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đến từng nhà, chợ trung tâm xã tấp nập người mua, người bán. Ông Viên Tiến Thăng, Chủ tịch UBND xã Tân Trào phấn khởi cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Đảng và Đảng bộ tỉnh, xã Tân Trào đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, đến nay xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu quốc gia: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, các công trình nước sạch đã triển khai đến tất cả các thôn bản của xã, mức sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên đáng kể… Anh Thăng nói:

 

- Tất cả những đổi thay trên mảnh đất này, trước hết là nhờ truyền thống cách mạng đã ngấm vào máu thịt nhân dân, được phát huy trong điều kiện mới. Thế nhưng, phần khác là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương nhằm xây dựng Tân Trào trở thành khu du lịch lịch sử, văn hóa trọng điểm của tỉnh và cả nước.

 

Ý kiến của đồng chí Chủ tịch xã Tân Trào được đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang xác nhận. Anh Sơn cho biết thêm, thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, tôn tạo các di tích để phát triển du lịch ở Tân Trào khá hiệu quả. Nhiều công trình được đầu tư đã tạo bước phát triển đột phá, phục vụ hiệu quả cho giáo dục truyền thống và du lịch.

 

Cũng theo anh Sơn, một lợi thế nữa của Tân Trào là nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của cán bộ, nhân viên thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử. Anh Sơn cho biết:

 

- Trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám, hàng chục cơ quan đầu ngành Trung ương đóng tại Tân Trào. Với tình cảm “uống nước nhớ nguồn” các cơ quan, các ngành trung ương đã có nhiều việc làm thiết thực như: Xây dựng, tôn tạo di tích, tặng nhà tình nghĩa, các trang thiết bị y tế, giáo dục; xây dựng đường, trường, trạm, công trình văn hóa... tặng chính quyền và nhân dân Tân Trào.

 

Với những lợi thế đặc thù, cộng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Tân Trào hôm nay đang từng bước thay da đổi thịt, chất lượng cuộc sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, Tân Trào đã trở thành điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng cả nước với 177 di tích (trong đó có 40 di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử quốc gia, 30 di tích được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh…). Với ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa đặc biệt, tháng 5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Tân Trào.

 

Để Tân Trào “cất cánh”

 

- Tân Trào đã khoác lên mình diện mạo mới. Tuy vậy, thời gian tới, để mảnh đất này thực sự “cất cánh” thì những phần việc phải làm và cần làm còn khá lớn. Bởi thế, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chung sức của không chỉ cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh - Bà Nguyễn Thị Huề, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương bày tỏ.

 

Theo bà Huề, thời gian tới, Huyện ủy và cơ quan chức năng của huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh sớm hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể Di tích Lịch sử Tân Trào. Chú trọng việc tôn tạo và chủ động đầu tư các khu di tích trọng điểm gắn với phát triển du lịch và giáo dục truyền thống. Cùng với đó, địa phương chủ trương kêu gọi, khơi dậy sức mạnh của các cấp, ngành, toàn dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa và phát triển du lịch…, góp phần làm cho di tích trở thành “địa chỉ đỏ” của du lịch về nguồn - thực sự là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 

Bên cạnh các giải pháp tổng thể nói trên, vấn đề đặt ra hiện nay là Tuyên Quang phải xác định được đối tượng du khách cần thu hút và đổi mới cách thức tổ chức quản lý di tích. Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho rằng, lượng khách tham quan hằng năm khá lớn (khoảng 450.000 lượt khách/năm). Tuy vậy, số lượng khách này chủ yếu được tổ chức thành đoàn, thực hiện các nội dung tham quan truyền thống lịch sử và lưu lại Tân Trào không lâu.

 

- Xác định đối tượng chủ yếu như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục các chiến dịch tuyên truyền, quảng bá, liên hệ với du khách, nhất là các tổ chức, cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội. Chúng tôi cũng mong muốn địa phương đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp du lịch và các địa phương lân cận hình thành các tua du lịch kết hợp giữa về nguồn tham quan lịch sử với du lịch sinh thái,…

 

 Những giải pháp trên là hết sức quan trọng. Đảng ủy xã Tân Trào nhận thức rõ và sẽ triển khai, đẩy mạnh tiến độ trong thời gian tới. Chính quyền địa phương sẽ từng bước tháo gỡ những vấn đề còn vướng và khó trong giải quyết các mối quan hệ giữa đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới với duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, giữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch với chống các biểu hiện lạm dụng thương mại hóa… phấn đấu xây dựng Tân Trào xứng đáng với Di tích Quốc gia đặc biệt./.

Nguồn: Báo QĐND

Cùng chuyên mục