Hoạt động của ngành

Bảo tồn làng cổ Đông Ngạc (Hà Nội): Đảm bảo hài hòa giữa truyền thống và nhu cầu phát triển

Cập nhật: 14/08/2012 15:59:23
Số lần đọc: 2766
Bảo tồn làng cổ Đông Ngạc (huyện Từ Liêm, Hà Nội), biến nơi này thành điểm du lịch, đang được thành phố Hà Nội xây dựng với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ, hài hòa giữa việc lưu giữ các giá trị truyền thống với nhu cầu phát triển phục vụ du lịch và đời sống dân sinh.

Làng cổ Đông Ngạc được bảo tồn theo hướng: bảo tồn một số kiến trúc cổ, không gian làng cổ, truyền thống khoa bảng, di sản phi vật thể và các giá trị nhân văn. Mỗi di sản có một hình thức và mức độ bảo tồn riêng phù hợp với tính chất, quy mô từng loại; đảm bảo giữ nguyên các giá trị gốc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, sau khi bảo tồn, đơn vị này sẽ xây dựng và triển khai hình thức phát huy giá trị các di tích ở Đông Ngạc. Cốt yếu nhất phải giới thiệu được giá trị đặc trưng của một làng khoa bảng ở Thủ đô như các hình thái giáo dục từ thời phong kiến đến nay, các trường học, hình thức khuyến học qua các thời kỳ lịch sử, những đóng góp của các nhà khoa bảng ở Đông Ngạc đối với đất nước, các di tích – di vật còn lại liên quan đến hệ thống giáo dục… Với những lợi thế về khoa bảng, văn hóa, lịch sử, Hà Nội đang kỳ vọng biến làng cổ Đông Ngạc thành điểm du lịch hấp dẫn.

Điểm đến này có thể kết nối với các di tích lớn dọc theo đê sông Hồng: đình Chèm, đình Nhật Tân, phủ Tây Hồ cùng các làng lân cận: làng Nhật Tảo, làng Liên Ngạc. Du khách tới đây, ngoài tìm hiểu các giá trị làng cổ Đông Ngạc còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống “giò Chèm, nem Vẽ”, mua các sản phẩm lưu niệm và sử dụng nhiều dịch vụ du lịch khác.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết thêm: Trong quá trình bảo tồn làng cổ phải xây dựng cơ chế phát sinh nhằm hài hòa việc gìn giữ các giá trị truyền thống với nhu cầu phát triển. Ví dụ như đất dự phòng cho nhu cầu xây dựng nhà ở khi dân số tăng, vấn đề cấp thoát nước, xây dựng công trình phụ tại các ngôi nhà cổ. Nếu không xây dựng được cơ chế này, việc bảo tồn dễ bị chồng chéo, phá vỡ không gian cảnh quan, kiến trúc, môi trường tương tự như làng cổ Đường Lâm.

Đông Ngạc là ngôi làng cổ ven đô, còn mang đậm dấu ấn của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Yếu tố tạo nên giá trị đặc trưng của làng cổ Đông Ngạc, là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước với 21 người đỗ tiến sỹ qua các thời và cũng là làng có số tiến sỹ cao nhất Hà Nội. Cả 5 dòng họ lớn trong làng đều có người đỗ đại khoa; trong đó phải kể tới họ Hoàng và họ Phạm. Do vậy, hiếu học đã trở thành truyền thống của Đông Ngạc và cũng là điểm thu hút khách tham quan, nghiên cứu và học tập.

Một mặt, do không bị ảnh hưởng nhiều từ quá trình đô thị hóa, làng còn giữ nguyên vẹn các di tích gồm đình, đền, chùa, văn chỉ, miếu, nhà thờ họ với 16 di tích và khá nhiều kiến trúc nhà cổ. Hệ thống cổng làng, cổng xóm và đường làng lát gạch cũng phản ánh nếp sống, phong tục tập quán lâu đời của người dân nơi này. Ngoài những lễ hội truyền thống, làng Đông Ngạc còn lưu truyền nghề nặn nồi đất, làm quang gánh, làm giò, làm nem.../.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục