Hoạt động của ngành

Du lịch xanh lên ngôi

Cập nhật: 10/08/2012 14:43:08
Số lần đọc: 3194
Tổng cục Du lịch sẽ triển khai tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp phía Nam. Nhân dịp này, đơn vị tổ chức tập huấn cũng giới thiệu nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (gọi tắt nhãn Bông sen xanh) cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam.

Như vậy kể từ năm 2012, những doanh nghiệp thuộc ngành “công nghiệp không khói” được Tổng cục Du lịch cấp Chứng nhận nhãn Bông sen xanh sẽ có lợi thế trong hoạt động. 

Thực ra, khái niệm du lịch xanh đã được hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch quan tâm khi xác định hướng đi. Với thế mạnh nghỉ dưỡng ven biển, du lịch Bình Thuận đã tập trung khai thác khá hiệu quả tiềm năng thiên phú, được mệnh danh là “thủ đô resort của Việt Nam”. Nếu có điều kiện đến Bình Thuận, hẳn du khách không chỉ hài lòng với cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ, mà còn cảm nhận được sự gần gũi với thiên nhiên. Dù mỗi nơi một vẻ, mỗi resort một kiểu kiến trúc, song tất cả các cơ sở lưu trú đều chú trọng tận dụng không gian mở. Tỷ lệ xây dựng được hạn chế, thay vào đó dành diện tích trải rộng màu lá cỏ cây men ra bờ biển, rồi tiếp nối biển xanh bao la. Ấy vậy nên, nhìn lối kiến trúc mộc mạc và đơn giản mà giá phòng lại rất cao, nhưng chuyện tiền nong không làm khách du lịch ái ngại, đặc biệt với khách quốc tế. Bởi họ biết khoản chi phí bỏ ra là đáng “đồng tiền bát gạo”, là đẳng cấp của du lịch xanh mà nếu doanh nghiệp chưa ý thức, hoặc không đầu tư xứng tầm sẽ chẳng được như thế.

 

Trở lại nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh, việc đánh giá và cấp chứng nhận sẽ do Tổng cục Du lịch tiến hành thí điểm trong thời gian tới. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam có thể bắt đầu đăng ký để được công nhận và sử dụng trong 3 năm. Theo đó, các cơ sở lưu trú được cấp chứng nhận phải là đơn vị có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển du lịch bền vững. Được biết, tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh mà Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xây dựng cũng dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chí nhãn xanh châu Âu, châu Á và tiêu chí nhãn xanh toàn cầu. Vì vậy, cơ sở lưu trú nào được gắn biểu tượng “Bông sen xanh” là đã được công nhận đạt chuẩn về bảo vệ môi trường để giới thiệu, quảng bá và khẳng định chất lượng du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Hiện nay, du lịch Bình Thuận mới có hai đơn vị tiên phong đăng ký cấp thí điểm Chứng nhận nhãn Bông sen xanh là: Làng Tre - Mũi Né Resort và Sea Lion Resort. Số lượng này quá ít vì hiện trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đang hoạt động. Cần nói thêm, nhãn Bông sen xanh có 5 cấp độ từ 1 cho đến 5 bông sen (ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững), không phụ thuộc loại hạng sao mà cơ sở đã được Tổng cục Du lịch công nhận. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú tại Bình Thuận nên tìm hiểu, mạnh dạn đăng ký áp dụng nhãn Bông sen xanh để tăng sức cạnh tranh. Đây còn là xu hướng chung của toàn ngành, bởi lẽ ai cũng biết du lịch xanh đang lên ngôi và nhu cầu của du khách luôn hướng về những nơi yên bình, gần gũi thiên nhiên, môi trường trong lành…/.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục