Hoạt động của ngành

Ðưa du lịch Phú Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 10/08/2012 13:53:55
Số lần đọc: 2543
Phú Yên có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển đảo, nhưng lợi thế đó chưa được phát huy. Sau Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên-2011, tỉnh đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh ủy Phú Yên đã thông qua Ðề án và phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, Phú Yên trở thành điểm nhấn trong liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Tài nguyên du lịch đa dạng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2012 đến nay, ngành du lịch Phú Yên đón khoảng 305 nghìn lượt khách, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách quốc tế 20.500 lượt; tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 329,2 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2011. "Có thể nói đây là một tín hiệu vui của du lịch tỉnh nhà, trong điều kiện phát triển du lịch còn đang gặp nhiều khó khăn", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên Phan Ðình Phùng chia sẻ.

Trong hành trình đến với vùng đất đầy nắng và gió này, ai cũng phải một lần ghé thăm khu du lịch sinh thái cao cấp Núi Thơm, nằm ngay cửa ngõ phía bắc TP Tuy Hòa. Những năm về trước, khu đồi với diện tích 45 ha này chỉ có những bụi cây dúi hàng trăm năm tuổi, những cây bạch đàn khẳng khiu cố rướn mình trong gió cùng các loại cây bụi hoang dại khác. Nhưng hôm nay Núi Thơm đã trở thành khu du lịch sinh thái đẳng cấp. Trên ngọn đồi rộng 45 ha này, 21 biệt thự được thiết kế theo kiến trúc truyền thống và các bungalow, với hàng trăm phòng hiện đại. Liền kề là khu biển Bãi Xép rộng 25 ha, một bãi biển đẹp với bãi cát trắng mịn, đang xây dựng khách sạn, biệt thự cao cấp, xây cầu tàu cho tàu du lịch cập bến, du khách đến đây có thể tham gia các trò chơi thú vị như trượt nước, kéo dù. Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sao Việt từ TP Hồ Chí Minh đến đầu tư tại đây cho biết: "Tiềm năng du lịch ở đây là rất lớn, đặc biệt ở Phú Yên núi liền biển, vịnh, đầm đang còn rất hoang sơ, kỳ bí nên chúng tôi không ngần ngại bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng thành khu du lịch. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, Phú Yên sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách".

Ðúng như nhận xét của bà Huỳnh Thị Kim Hương, Phú Yên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Với bờ biển dài 190 km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều đầm, vịnh, nhiều bãi tắm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú như: Ðầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Ðài, gành Ðá Ðĩa, núi Ðá Bia, Bãi Môn - Mũi Ðiện..., thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển và tổ chức các hoạt động thể thao trên biển, trên cát. Thiên nhiên cũng đã ban tặng cho Phú Yên các nguồn nước khoáng nóng rất thích hợp cho việc tắm chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và nghỉ dưỡng. Phú Yên có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ xuyên Việt, có các quốc lộ 25 và quốc lộ 29 nối đồng bằng duyên hải với các tỉnh Tây Nguyên. Sân bay Tuy Hòa có khả năng tiếp nhận loại máy bay boing 747, cảng Vũng Rô có khả năng đón tàu trọng tải hơn 5.000 tấn, tàu du lịch loại lớn. Mặt khác, Phú Yên còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, nơi đan xen, giao thoa hòa hợp của nền văn hóa Việt - Chăm được thể hiện qua các di chỉ khảo cổ. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ðình Cự, những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch như: xây dựng tuyến đường động lực ven biển nối TP Tuy Hòa với gành Ðá Ðĩa và Bãi Môn - Vũng Rô; nâng cấp nhiều tuyến đường từ trung tâm đến các khu di tích, khu du lịch; tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa như Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Ðền thờ Lương Văn Chánh; di tích khảo cổ Quốc gia Thành An Thổ - nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng; xây dựng Nhà bảo tàng tỉnh Phú Yên, khu di tích lịch sử Quốc gia Tàu Không số Vũng Rô...

Những năm gần đây, lượng khách du lịch tăng khá nhanh so với mức trung bình chung của cả nước. Một số đơn vị kinh doanh lữ hành đã xây dựng các chương trình du lịch với những sản phẩm du lịch gắn với du lịch biển đảo và bước đầu liên kết nối tour với các tỉnh trong vùng. Ngành du lịch Phú Yên cũng đã tham gia quảng bá, xúc tiến tại một số hội chợ, triển lãm khác ở trong và ngoài nước; đăng cai tổ chức một số chương trình văn hóa, nghệ thuật có quy mô cấp quốc gia và quốc tế. Ðặc biệt, tỉnh đã đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia duyên hải miền trung - Phú Yên 2011 nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển với hơn 20 sự kiện có quy mô lớn được tổ chức trong tỉnh đã góp phần quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đến Phú Yên.

Hướng phát triển lâu dài

Mặc dù đánh giá được tiềm năng phát triển du lịch và đã có nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển du lịch, tuy nhiên thực tế, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều công trình, dự án còn kéo dài thời gian hoàn thành do nhà đầu tư thiếu năng lực, chậm hoặc không triển khai dự án. Hoạt động du lịch của tỉnh tuy có bước phát triển khá nhanh, nhưng còn thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực; hoạt động lữ hành chưa mạnh; đội ngũ cán bộ quản lý khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch còn thiếu và yếu; chưa xây dựng được thương hiệu du lịch Phú Yên. Kinh tế của Phú Yên trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ còn nhiều mặt hạn chế. Tài nguyên du lịch tuy phong phú, đa dạng nhưng nằm rải rác, ngoài một số quần thể thì các điểm, khu du lịch nằm cách xa nhau, trong khi đó nguồn lực đầu tư hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả. Nhận thức xã hội về du lịch, nhất là nhận thức của các cấp quản lý về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa cao; các ngành, các địa phương, các đơn vị du lịch chưa có sự phối hợp tốt trong đầu tư, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực để phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ðình Cự cho biết, nguyên nhân chính là Phú Yên còn yếu về nhiều mặt từ việc đầu tư hạ tầng các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng của Phú Yên cho đến ma-két-tinh và đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp "không khói" này những năm tới chúng tôi phải giải quyết những bất cập nêu trên.

Ðể phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Tỉnh ủy Phú Yên đã thông qua Ðề án phát triển ngành du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư phát triển du lịch lên đến 13.572 tỷ đồng với mục tiêu sẽ đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm nhấn trong liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành du lịch như: Tập trung xây dựng các dự án quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên đề làm cơ sở gọi vốn đầu tư phát triển du lịch; tiếp tục kêu gọi đầu tư mở rộng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch bằng giải pháp xã hội hóa thông qua các dự án, hình thành các tour du lịch nội tỉnh và liên kết vùng...; đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực vịnh Xuân Ðài để hình thành khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2015, sẽ thu hút hơn 850 nghìn lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 10%. Giá trị gia tăng (GDP) của ngành du lịch từ chỗ chiếm 3,6% (năm 2010) so GDP toàn tỉnh sẽ tăng lên 5,7% vào năm 2015. Từ năm 2016 đến 2020, số khách du lịch lưu trú tăng bình quân 15%/năm. Ðến năm 2020, sẽ đón khoảng 1,8 triệu lượt khách và GDP ngành du lịch chiếm 7,2% GDP toàn tỉnh.

Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh Phú Yên đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Về tổ chức quản lý, cơ chế chính sách, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự tích cực tham gia của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch Phú Yên trong thời gian tới. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về du lịch. Cụ thể hóa các cơ chế chính sách ưu đãi theo các quyết định của Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính... Ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình có liên quan; kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài; huy động vốn các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động du lịch và đóng góp của cộng đồng phù hợp với xu hướng xã hội hóa. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển du lịch. Về nguồn nhân lực hướng đào tạo chuyên sâu; dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách tỉnh cho công tác đào tạo; ưu tiên nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài; đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ công chức trong ngành du lịch...

Hiện du lịch Phú Yên đang đứng trước cơ hội lớn. Các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum); Ðức Cơ (Gia Lai) tạo cơ hội cho tỉnh Phú Yên có điều kiện trở thành cửa ngõ mới ra Biển Ðông của các tỉnh Tây Nguyên và kết nối với thị trường du lịch các nước Lào, đông bắc Thái-lan và Cam-pu-chia... Một số dự án có quy mô lớn đang được nghiên cứu đầu tư như: hầm đường bộ đèo Cả; ga đầu mối và đường sắt nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc thành lập Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu kinh tế Vân Phong tạo điều kiện thuận lợi và giữ vai trò động lực phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên trong đó có du lịch./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục