Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Phát triển du lịch đường sông trên địa bàn quận Liên Chiểu

Cập nhật: 09/08/2012 09:07:45
Số lần đọc: 2631
Quận Liên Chiểu nằm về phía tây bắc thành phố, có nguồn tài nguyên du lịch về thiên nhiên và nhân văn rất phong phú và đa dạng, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và di tích văn hóa, có giá trị thẩm mỹ cao.

Hiện nay trên địa bàn quận có 04 đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố như: Đình Trung Nghĩa, Đình Hòa Mỹ, Đình Đà Sơn, Đình Xuân Dương. Bên cạnh đó, các giếng cổ, mộ cổ, ngôi nhà cổ họ Mai, làng chài, làng nghề nước mắm Nam Ô đã và đang trở thành điểm đến của những nhà nghiên cứu và du khách thích tìm đến sự thanh bình của một làng quê. Mặt khác, với đường sông dài 38 km từ Thuỷ Tú đến Trường Định, đoạn sông nằm trên địa bàn quận khoảng chừng 6-7 km, là tuyến đường thủy quan trọng và là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú.

Do đó, song song với việc đầu tư khai thác tiềm năng du lịch sinh thái núi và biển, việc xây dựng hình thành các tuyến, điểm tham quan du lịch đường sông trên địa bàn quận Liên Chiểu là rất cần thiết. Điều này góp phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch trên cơ sở bền vững nhằm hình thành các điểm tham quan du lịch qua các di tích lịch sử, di tích văn hóa gắn kết với đường sông nhằm mục đích thu hút và thỏa mãn nhu cầu tham quan của du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Liên Chiểu nói riêng. Đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại những nơi hình thành các tour dịch vụ du lịch này.

Với những nguồn tài nguyên du lịch về thiên nhiên và nhân văn rất phong phú và đa dạng như vậy, có thể thấy loại hình du lịch đường sông là một loại hình du lịch có tiềm năng phát triển lớn ở quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, hiện nay nó vẫn chưa được khai thác hiệu quả và nguyên nhân chính là chưa có sự đầu tư, quy hoạch phát triển đối với loại hình du lịch này. Trước hết, để loại hình du lịch đường sông có thể được khai thác và đầu tư hiệu quả, cần phải định hướng phát triển cho loại hình này như: Vạch ra một số giải pháp cụ thể để phát triển loại hình du lịch đường sông bao gồm các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, nhân lực, công tác quảng bá. Trong đó, trước tiên cần chú trọng đến giải pháp quy hoạch. Để thực hiện được giải pháp này, cần có sự hỗ trợ lớn từ phía thành phố cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các phòng ban chuyên ngành và cả những người dân có kinh nghiệm về lĩnh vực sông nước. Cần có định hướng cho việc phát triển dịch vụ đường sông; có cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển loại hình dịch vụ này.

Bên cạnh đó, việc định hướng cho các ngư dân có điều kiện đầu tư hoán đổi và cải tạo từ tàu đánh cá sang tàu chở khách chuyên dùng để chở khách khi có nhu cầu là vấn đề cần được đặt ra. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ 01 phương tiện mới được đầu tư bởi Công ty Tân Cường Thành có công suất 15cv, thì hầu hết các chủ phương tiện còn lại đều chưa có sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi hoặc nâng cấp để phục vụ cho loại hình dịch vụ du lịch này. Do vậy, cần phải xúc tiến sớm việc thành lập đội ghe du lịch, mở các đợt tập huấn nghiệp vụ, văn minh thương mại cho các chủ phương tiện và đội ngũ nhân viên phục vụ tại các đội ghe. Chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối hỗ trợ lẫn nhau để tránh sự đơn điệu nghèo nàn và thiếu tính chuyên nghiệp của các đội ghe du lịch.

Việc bố trí khu đất đủ rộng và hợp lý để làm bến bãi, cầu tàu, quầy bán vé và điểm đón tiếp khách, bởi đây là nơi tạo cảm giác đầu tiên của du khách khi đến với vùng sông nước này cho nên cần phải được chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải bố trí hài hòa khuôn viên cây xanh tại nơi đón khách nhằm tạo cảm giác thân thiện trước khi xuất bến hành trình tour.

Việc xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch, sản phẩm du lịch sinh thái tại sông Cu Đê cần gắn với cụm di tích văn hóa Nam Ô như: Giếng Cổ, Mộ tiền hiền làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm Linh, Miếu thờ bà Bô Bô, Miếu thờ bà Liễu Hạnh, nhà thờ họ Mai, Đình Xuân Dương, Chùa làng Ba Sơn, phế tích tháp Xuân Dương…, xây dựng các tuyến du lịch đường sông gắn các hoạt động của du khách với sinh hoạt truyền thống của ngư dân làng chài, làng nghề nước mắm Nam Ô và thả hồn cùng với đêm hội hoa đăng trên dòng sông Cu Đê. Khi đã hình thành được sản phẩm du lịch sinh thái tại đường sông này rồi, thì đây sẽ là lúc chúng ta nhắm vào thị trường khách dự hội nghị, hội thảo tại thành phố Đà Nẵng, khách đi theo các tour du lịch. Đặc biệt tranh thủ đối với thị trường khách quốc tế dừng chân tham quan Hải Vân Quan.

Muốn vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá đối với dịch vụ này cần phải được quan tâm. Có sự liên kết với các đơn vị lữ hành, khách sạn để quảng bá và xây dựng chương trình tour bán cho khách.

Không lâu nữa tuyến sông Cu Đê - Liên Chiểu, sẽ trở thành địa chỉ thu hút khách du lịch trong tuyến tham quan du lịch thành phố Đà Nẵng của du khách trong và ngoài nước.

Theo chân những ngư dân vùng sông nước, cả một thế giới yên bình đang rộng mở trước mắt bạn. Khác xa với những ồn ào nơi đô thị, du khách sẽ được đắm mình trong một không gian thanh bình nơi cây đa bến nước sân đình gắn với cụm di tích văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Ô - Vạch nối vào quá khứ ngày nào. Nét chân quê, mộc mạc, giản dị trong từng ngõ xóm sau lũy tre làng, nơi lưu giữ khá sâu đậm những nét văn hóa của cư dân vùng quê của một thành phố đô thị loại I cấp quốc gia./.

Nguồn: Đà Nẵng

Cùng chuyên mục