Hành trang lữ khách

Về Hội An, thưởng thức bánh tráng đập Cẩm Nam

Cập nhật: 20/08/2008 14:08:28
Số lần đọc: 2612
Về phố cổ Hội An, chỉ cần qua khỏi cầu Cẩm Nam là đến làng bánh tráng đập với chục hàng quán nằm chung trên một con đường nhựa mới. Phía sau là vùng đất bãi bồi làng Xuyên Trung bên sông Thu Bồn, nơi cư dân Hội An trồng bắp, cào hến, quanh năm buồn vui với con nước lớn cạn theo mùa.

 

Nói đến bánh tráng đập Cẩm Nam, người ta nhắc ngay đến quán Bà Già có từ trước ngày giải phóng. Bà đã mất chừng 10 năm trước nhưng những ai “mê” ăn món bánh tráng dân dã xứ Quảng này đều nhớ con đường ngoằn ngoèo quanh các luỹ tre dẫn ra bờ sông, nơi chỉ có quán Bà Già lụp xụp với phên tre, ghế đẩu nhưng lúc nào cũng đông thực khách.

 

Giờ đây, làng bánh tráng đập Cẩm Nam phát triển mạnh, hàng quán mọc lên sát kề nhau, mỗi ngày đón hàng trăm người vào ra. Mỗi lần lễ hội hay thứ bảy, chủ nhật, làng bánh tráng đập đông vui như hội. Khách Tây cùng với khách ta, nhiều nhất là du khách từ Đà Nẵng và các địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ. Chỉ riêng trục đường chính Cẩm Nam đã có 8 quán, mỗi quán rộng trên 500 m2, nhiều quán nổi tiếng như Quán Có Ngay, Quán Phúc, Lân... có 7 đến 10 người làm và phục vụ.

 

Một chủ quán bánh đập cho biết: “Mới 5, 10 năm ni thôi, du khách đến Hội An đông, thứ bánh đập quê mùa ni mới bán buôn được. Nghề nào cũng cơ cực, nhưng được cái đông vui, gia đình cũng có cái ăn cái uống”.

Làm bánh tráng đập phải thức dậy từ sáng sớm tráng bánh, cái thì đem phơi, nướng, cái để ướt rồi phi hành, làm nước mắm chấm, tương ớt. Gạo đem ngâm nước, xay nhuyễn rồi tráng bánh bằng lò. Bánh ướt cũng như bánh khô nướng chỉ quay cán bột mỏng một lần trên vải lò. Nước chấm là mắm cái cá cơm nhỏ, mà phải là cá cơm đánh bắt từ Bãi Ngang của biển Hội An. Mắm chỉ lấy nước, bỏ xác, thêm chút nước đường và không bao giờ nem vị tinh. Theo bà Hoa, mắm chấm mà cho vị tinh vào coi như mất chất, mất luôn cả hương vị, ăn không thấy mùi đồng đất, quê mùa. Củ hành khô sắt nhỏ, phi dầu cho đến lúc vàng giòn mới thôi. Còn tương ớt thì làm bằng ớt đỏ tươi luộc chín, băm nát rồi xay thành tương.

Bánh tráng đập Cẩm Nam là sự kết hợp kỳ diệu giữa cái mềm và cái cứng, nói như nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc là khô và ướt quyện nhau như âm níu lấy dương. 1 cái bánh tráng đập gồm 2 cái bánh tráng nướng lửa than kẹp 1 cái bánh ướt ở giữa. Khi ăn, dùng bàn tay xoè ra, đập nhẹ xuống bánh cho vỡ nát đều, sau xé ra từng mảng, cuốn lại như bánh cuốn rồi chấm mắm cái. Trong nước mắm cái có thêm một ít tương ớt và hành phi sẽ cho ta vị cay của ớt, hương thơm của hành và đặt biệt là mùi vị đặc trưng mắm cái nguyên chất xứ Quảng.

Có một sự kết hợp kỳ diệu khác là ngoài bánh tráng đập, tất cả các hàng quán Cẩm Nam đều bán kèm theo hến trộn và chè bắp. Một thức ăn có vị nóng, ăn kèm với thứ mát như cách mà ông bà xưa bày cho chúng ta ăn trứng lộn với rau răm.

Một du khách sau khi đã thưởng thức món bánh tráng đập, nói: “Rôm rả cả buổi, khi chưa ăn cho đến khi ăn, lúc nào cũng nghe một âm thanh giòn vang vui tai đến lạ. Ăn bánh tráng thì ai mà không nghe âm thanh vỡ vụn, nhưng tiếng vỡ ở đây dường như rất vừa phải, trầm đều. Chắc là do cái bánh ướt ở giữa giữ cho thứ âm thanh ấy không nát ra trong miệng và cả trong tai.
Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục