Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ hai diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh
Tham gia nhạc hội lần này có các nghệ sĩ đến từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Đây là cơ hội để các nghệ sĩ đàn tranh châu Á gặp gỡ, biểu diễn và giới thiệu nền âm nhạc truyền thống của nước mình cũng như tiếp cận với những sáng tạo mới, làm phong phú thêm cho nghệ thuật diễn tấu đàn tranh.
Đối với khán giả, nhạc hội không chỉ là nơi để xem những tiết mục đàn tranh chọn lọc độc đáo nhất của từng quốc gia, mà còn là dịp để tìm hiểu về loại nhạc cụ đặc biệt này, chẳng hạn điểm giống và khác nhau giữa đàn tranh của Việt Nam, đàn koto của Nhật Bản, đàn guzheng của Trung Quốc hay đàn gayageum, geomungo của Hàn Quốc.
Đặc biệt, trong đêm bế mạc ngày 4/9/2008, tất cả các nghệ sĩ tham gia nhạc hội sẽ cùng biểu diễn chung bài dân ca “Lý ngựa ô” của vùng Nam bộ Việt Nam.
Đàn tranh của Việt Nam, còn được gọi là đàn thập lục vì có 16 dây, hình hộp dài, mặt đàn làm bằng ván gỗ ngô đồng dày khoảng 0,05 cm uốn hình vòm. Dây đàn làm bằng kim loại với các cỡ khác nhau. Khi biểu diễn, các nghệ nhân thường đeo móng tay giả làm bằng kim loại, sừng hoặc đồi mồi để gẩy đàn.
Âm sắc đàn tranh trong trẻo, phù hợp với các điệu nhạc vui tươi, trong sáng. Đàn này thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho ngâm thơ, hát, tham gia trong các dàn nhạc dân tộc.