Hoạt động của ngành

Cách làm Du lịch cộng đồng ở Nghĩa An, Yên Bái

Cập nhật: 27/09/2012 10:24:46
Số lần đọc: 1811
Những năm gần đây, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc nhất là dân tộc Thái.

Tuy nhiên, nhiều mô hình làm du lịch cộng đồng đã được thị xã áp dụng nhưng hiệu quả không cao. Mới đây, tại xã Nghĩa An đã có một mô hình làm du lịch hoàn toàn mới, độc đáo, bước đầu có hiệu quả rất tốt. Cũng từ hoạt động này, đời sống người dân từng bước nâng cao, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

 

Bản Đêu, xã Nghĩa An hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Bản Đêu, chị Hoàng Kim Phượng tâm sự: "Tôi đã đi rất nhiều nơi như Hòa Bình, Bắc Cạn, thậm chí đi cả Thái Lan để tham khảo cách làm du lịch nhưng hầu hết những cách làm của họ không phù hợp để mình áp dụng”.

 

Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là được hòa mình vào với thiên nhiên, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương, năm 2008, chị Phượng cải tạo lại ngôi nhà sàn của mình. Không cần đầu tư phòng ốc khép kín hiện đại như khách sạn, thay vào đó chị chỉ đầu tư mua chăn đệm, trải ngay xuống sàn nhà để khách nghỉ. Mọi sinh hoạt hàng ngày của khách đều được gắn với sinh hoạt của gia đình.

 

Qua những sinh hoạt thường ngày khách du lịch thực sự hòa mình vào với đời sống của người địa phương. Khách ở dài ngày thì có thể đạp xe lên suối Nậm Đông để tắm hay đạp xe 30km lên Trạm Tấu để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người Mông hoặc có thể tham gia lao động cùng với gia đình. Mọi hoạt động đó đều được chính chủ nhà làm hướng dẫn viên.

 

Với cách làm độc đáo đó, chị Phượng bước đầu đã thu được những kết quả khả quan 6 tháng đầu năm nay chị đã đón được trên 800 lượt khách đến gia đình, trong đó 500 lượt khách là người nước ngoài.

 

Theo chị Phượng, cách làm du lịch như thế không phải quá khó, mọi người trong bản đều có thể làm được. Qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt với sự cầu thị, chị Phượng được chính khách du lịch đóng góp ý kiến để xây dựng những tiêu chí cơ bản khi làm loại hình du lịch cộng đồng.

 

Trong cách làm đặc biệt lưu ý những điểm quan trọng không được vi phạm, vì chỉ một lần mất tín sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn, lòng tin của khách du lịch. Điểm lưu ý đầu tiên đó là mỗi hộ gia đình cần có công trình sinh hoạt hợp vệ sinh, không cần sang trọng nhưng phải sạch.  

Thứ đến là thái độ phục vụ phải cởi mở, nhiệt tình, chân thành. Người chủ nhà cũng đồng thời là hướng dẫn viên do vậy yêu cầu tối thiểu là phải am hiểu về phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc, am hiểu về ẩm thực địa phương, nhất là biết hướng dẫn khách làm những món ăn dân tộc để tạo cho khách sự hứng thú, tò mò và được trực tiếp khám phá sự độc đáo trong các món ăn. Phòng ngủ không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chăn đệm sạch sẽ và có tấm rèm che.

 

Điểm đặc biệt lưu ý trong quá trình làm du lịch cộng đồng đó là phải tạo được cho khách sự thoải mái, gần gũi với gia đình nên mỗi căn nhà sàn không được phép có sảnh lễ tân.

 

Làm du lịch cộng đồng thì nhiều nơi ở Việt Nam đã làm, Nghĩa Lộ cũng đã làm nhưng trước đây chỉ là những mô hình rập khuôn với các địa phương khác với các hoạt động như văn hóa ẩm thực, ca hát, xòe cùng người dân bản… Những hình thức đó lâu dần thành nhàn chán, không thể giữ chân du khách lại nhiều ngày.

 

Những du khách yêu thích loại hình du lịch cộng đồng cũng là những người muốn tìm hiểu các nét văn hóa khác nhau ở những vùng đất mới. Do vậy, không thể học tập, áp dụng một cách rập khuôn. Cách làm của chị Hoàng Thị Phượng, Bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ là cách làm hay, độc đáo mà thị xã cần nhân rộng và có những chiến lược quảng bá rộng rãi./.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục