Hoạt động của ngành

Thái Nguyên: Đẩy mạnh bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 10/10/2012 14:51:50
Số lần đọc: 2650
Thái Nguyên có truyền thồng lịch sử với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng. Bảo tồn các giá trị lịch sử gắn liền với phát triển du lịch thời gian qua được Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, góp phần giúp du khách trong và ngoài nước hiểu biết hơn về con người Thái Nguyên nói riêng và truyền thống lịch sử của cả nước nói chung.

Thái Nguyên là tỉnh có tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn phong phú. Về tài nguyên du lịch thiên nhiên, Thái Nguyên có một hệ thống di sản thiên nhiên hết sức đa dạng, đặc biệt là các cảnh quan tự nhiên, hệ thống sinh thái sông - hồ, hệ sinh thái rừng, núi, đồi... Trong các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái có các điểm du lịch danh thắng hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, thác Khuôn Tát, Khu căn cứ ATK Định Hoá (đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), Đại Từ, hồ Suối Lạnh, hồ Trại Gạo, hồ Bảo Linh… Về tài nguyên du lịch nhân văn, Thái Nguyên có hàng trăm di sản vật thể và phi vật thể, trong đó có 132 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (39 di tích cấp quốc gia; 93 di tích cấp tỉnh, trên tổng số gần 800 di tích của tỉnh).

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, Thái Nguyên cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể, tạo điều kiện để tổ chức các lễ hội dân gian, tín ngưỡng truyền thống trong cộng đồng các dân tộc ở tỉnh, nhằm tạo điều kiện giao lưu văn hóa dân tộc các vùng miền, góp phần giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương, mỗi dân tộc để phát triển văn hóa du lịch ở địa phương. Nhiều loại hình và sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể được phục dựng, bảo tồn như: Rối Tày Thẩm Rộc, múa Tắc Xình, hát Nôm cổ truyền dân tộc Sán Chay, hát Ví vùng ven sông cầu, lễ cấp sắc dân tộc Dao, lễ hội Lồng Tồng- Định Hoá, Oóc pò dân tộc Nùng, các làng nghề truyền thống… đã được sưu tầm, xây dựng sản phẩm dưới dạng tư liệu hóa...

Thái Nguyên cũng là địa bàn có nhiều cơ quan, bộ, ngành trung ương có trụ sở làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cơ sở đó, Thái Nguyên đã đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, nhằm huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong việc đầu tư, tôn tạo các công trình văn hoá lớn, các di tích để nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân bằng nhiều hình thức như: kinh phí, hiện vật và công trình. Nhờ được tu bổ, tôn tạo kịp thời, nhiều di tích đã trở thành những sản phẩm văn hóa phục vụ thiết thực nhu cầu tham quan, du lịch, nhu cầu phục vụ sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng; một số di tích nằm trong tuyến tham quan du lịch, sau khi được đầu tư, tôn tạo, đã thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, góp phần đáng kể trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa nhằm giữ lại những kỷ vật quý giá của quá khứ, đồng thời là để thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của mỗi người dân. Các di tích lịch sử chính là sự hiện hữu của lịch sử và truyền thống, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là nền tảng tạo nên bản sắc văn hóa, giá trị tinh thần và là chuẩn mực đạo đức, là nét riêng của mỗi địa phương, sự hấp dẫn, thu hút của du lịch. Hệ thống di sản văn hóa là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, góp phần đưa Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực kinh tế trọng điểm ở trung tâm Việt Bắc, thu hút lượng khách quốc tế đến tham quan, du lịch ngày một đông, góp phần tăng trưởng kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy vậy, sản phẩm du lịch Thái Nguyên còn chưa phong phú, chưa có được những khu du lịch đặc sắc mang tính cạnh tranh cao. Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại này, một phần là do một số nơi, một số ngành nhận thức chưa nhất quán, chưa đầy đủ trong bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, di sản nói chung và du lịch nói riêng. Thiếu sự phối hợp đa ngành, liên vùng trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tài nguyên du lịch, đặc biệt là đối với việc quản lý phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch có gắn với tài nguyên du lịch tự nhiên, di sản văn hóa. Vẫn còn tồn tại tình trạng là cùng triển khai nhiều loại quy hoạch phát triển, như quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển ngành nghề; quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa có tiếng nói thống nhất... Còn thiếu những giải pháp khoa học, bảo đảm tính bền vững, giải quyết hài hòa giữa nhu cầu phát triển trên cơ sở phát huy giá trị với yêu cầu bảo tồn, gìn giữ giá trị của di sản, tài nguyên du lịch. Thiếu sự phối hợp giữa các chủ thể quản lý trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch đối với các di sản và tài nguyên du lịch, trong công tác kinh doanh du lịch, trong thực hiện xã hội hóa các nguồn lực.

Để sớm giải quyết tồn tại, đưa du lịch phát triển gắn liền với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa, Thái Nguyên đã xác định trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: Tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn, tôn tạo các di tích, đặc biệt là đầu tư các khu di tích trọng điểm gắn với phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Việt Bắc, xây dựng ATK liên hoàn với các tỉnh giáp ranh là những công việc cần tiếp tục triển khai thực hiện. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và phát triển mới sản phẩm du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy di sản và tài nguyên theo các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng hồ - núi, du lịch lịch sử. Phát triển các tuyến du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh trong nước và khu vực tại các nơi có di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và làng nghề truyền thống. Ưu tiên phát triển các điểm du lịch trọng điểm như: Hồ Núi Cốc, Khu di tích lịch sử ATK Định Hoá, các di tích đình - đền - chùa thuộc huyện Phú Bình, Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên… Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, thành phần kinh tế, cộng đồng, các chủ thể quản lý phát triển du lịch, quản lý di sản, tài nguyên về yêu cầu bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch.

Tài nguyên du lịch cần phải được bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý, phải coi việc bảo tồn di sản, tài nguyên không chỉ là hoạt động gìn giữ, bảo vệ đơn thuần mà còn là đầu tư phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm tính khoa học, dung hòa mục tiêu bảo tồn với nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đi sâu nghiên cứu, khai thác, bảo tồn một số tinh hóa văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa phi vật thể như lễ hội văn hóa Trà, và một số lễ hội tạo sức sống cho các di tích và đặc thù riêng có sức hấp dẫn cho du lịch phát triển. Chú trọng bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho công tác di sản văn hóa và phát triển du lịch đáp ứng với yêu cầu mới. Tăng cường xã hội hóa để huy động được cơ sở vật chất và tinh thần của tổ chức và cá nhân đóng góp cho phát triển./.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục