Hoạt động của ngành

Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch xứ Thanh

Cập nhật: 10/10/2012 09:29:01
Số lần đọc: 2337
Với tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, tỉnh Thanh Hóa có đủ cơ sở để phát triển các loại hình du lịch phù hợp ở bốn vùng miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển. Nhưng nhiều năm qua ngành du lịch tỉnh vẫn chưa thể hiện được hiệu quả hoạt động để thật sự trở thành một trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước.

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

Ðể du lịch Thanh Hóa phát triển một cách bền vững và hiệu quả, những người làm du lịch cần nhận thức một cách đầy đủ về tư duy xây dựng sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho du khách. Sản phẩm du lịch phải giúp họ tiếp nhận được những giá trị văn hóa từ các di tích lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và đời sống tâm linh của cộng đồng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và đáp ứng được các dịch vụ mua sắm, ăn, nghỉ, đi lại. Chất lượng sản phẩm du lịch còn thể hiện ở trình độ của hướng dẫn viên, khả năng thuyết phục và ứng xử của họ và môi trường văn minh chung quanh. Hiện nay, ở không ít điểm đến du lịch Thanh Hóa, những người tham gia làm du lịch và cả chính quyền địa phương quan niệm hoạt động du lịch chỉ là những dịch vụ ăn chơi hoặc hiểu một cách hời hợt khi cho rằng cứ đầu tư thật lớn, tôn tạo di tích thật đẹp là sẽ có nhiều du khách. Ðây là quan niệm sai lầm và có lẽ cũng bởi vậy mà mặc dù tiềm năng du lịch Thanh Hóa rất lớn, thậm chí còn vượt trội so với một số địa phương khác, song, ngành kinh tế mang ý nghĩa văn hóa này vẫn phát triển một cách chưa tương xứng, các loại hình dịch vụ còn nhiều thua kém. Du lịch Thanh Hóa cũng chưa thật sự kết nối và hợp tác hiệu quả với các điểm đến du lịch ở các tỉnh, thành phố trong nước và với các tua, tuyến du lịch quốc tế. Ðiều này cho thấy, nếu không mở rộng liên kết, liên doanh, hợp tác trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, du lịch xứ Thanh sẽ khó lòng "cất cánh" mạnh mẽ.

Bên cạnh đó,  công tác quy hoạch, xác định đúng quy hoạch cụm du lịch và đầu tư có trọng điểm  là tiền đề tạo ra sản phẩm du lịch thu hút khách. Yếu tố quy hoạch có vai trò quan trọng có thể thấy ở việc thực hiện quy hoạch, trùng tu, tôn tạo cụm di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương trở thành cụm di tích thắng cảnh trọng điểm của Thanh Hóa, đã và đang đón nhiều du khách. Vùng di tích Lam Kinh linh thiêng mang đậm dấu ấn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh ở đầu thế kỷ 15 và cũng là quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phản chiếu một cách tương đối đầy đủ sự nghiệp một triều đại hiển hách và đầy thăng trầm trong lịch sử. Trong không gian này có kinh thành, có dấu tích Hội thề Lũng Nhai, có lăng mộ của Vua Lê Thái Tổ và các vị vua nối tiếp, có đền thờ Vua Lê và Trung túc vương Lê Lai, có dòng sông Lương, núi Dầu và nhiều di tích, cổ vật còn nằm trong lòng đất đang được du khách và các nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy vậy, nếu nói về sản phẩm du lịch thì còn thiếu nhiều, thí dụ như khu đón tiếp khách, công trình phục vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn nghỉ, nhà hàng, chợ quê  truyền thống miền núi và cả các mặt hàng lưu niệm mang đậm sắc thái dân tộc địa phương,... cùng những tụ điểm sinh hoạt văn hóa, biểu diễn giới thiệu văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ và lễ hội Lam Kinh truyền thống hằng năm. Trong quãng một thời gian từ nay đến năm 2020, các công trình tôn tạo, tu bổ và phục dựng di tích Lam Kinh sẽ được hoàn tất và đặt ra cho ngành du lịch cùng chính quyền địa phương nhiệm vụ khai thác giá trị di sản mang lại hiệu quả.

Cùng với khu di tích Lam Kinh, khu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ cũng chưa được đầu tư tôn tạo và gần như chưa có gì để ngành du lịch khai thác ngoài "tiếng vang" của một danh hiệu được UNESCO công nhận. Du khách đến đây mới chỉ cảm nhận được từ trực quan di tích cổng thành và thành đá bao quanh, với một không gian mông lung. Theo giới kinh doanh lữ hành, khu di tích này còn thiếu nhiều dịch vụ và các yếu tố để xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn hảo. Tuy nhiên, trong công tác quy hoạch đầu tư vào khu di tích Thành nhà Hồ để khai thác du lịch phải bảo tồn bằng được diện mạo ban đầu của các di tích còn lại, không có bất cứ một sự "bổ sung" nào như đã từng diễn ra ở một số di tích quan trọng ở Thanh Hóa và các địa phương khác trong cả nước vừa qua, gây ảnh hưởng tiêu cực lên kiến trúc di tích. Việc cần quan tâm ngay từ bây giờ là nên có nhà đón tiếp khách với trang thiết bị hiện đại, có cơ sở lưu trú, ăn nghỉ và các công trình phụ hợp lý ở các cụm dân cư chung quanh khu di tích, bảo đảm vệ sinh môi trường và đặc biệt là cần sớm có nhà trưng bày hiện vật khảo cổ của khu di tích. Trong quy hoạch di tích cần quan tâm xây dựng đền thờ tưởng niệm danh nhân lịch sử Hồ Quý Ly gần khu di tích. Cùng với việc quy hoạch, đầu tư tôn tạo di tích, địa phương cũng nên có kế hoạch phục dựng và khai thác các nghề truyền thống cùng các làng nghề và những hoạt động diễn xướng chung quanh khu di sản.  Trong quy hoạch phát triển, thị trấn Vĩnh Lộc phải được nâng cấp toàn diện thành đô thị du lịch trọng điểm phía tây của Thanh Hóa để quảng bá và tuyên truyền di sản Thành nhà Hồ, tạo nguồn thu tốt hơn. 

Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong phát triển du lịch để nhân dân thật sự được tham gia và là chủ thể trong việc sáng tạo ra sản phẩm du lịch từ các hoạt động nghệ thuật dân gian, dịch vụ ăn nghỉ, đi lại và các mặt hàng lưu niệm,... đồng thời, chính họ cũng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Ðối với giới kinh doanh du lịch, muốn hưởng lợi, không có cách nào khác là phải tham gia đầu tư trí tuệ, sức lực, tiền của để tạo ra sản phẩm du lịch, tham gia tạo dựng, bảo vệ, tôn tạo di sản, dịch vụ, hướng dẫn du khách theo quy trình lữ hành và xúc tiến, quảng bá tuyên truyền du lịch Thanh Hóa đến với các vùng, miền. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng không thể tách rời sự quản lý của Nhà nước. Ở đây, quản lý không chỉ là kiểm tra, xử phạt, mà quản lý Nhà nước còn bao gồm trong đó cả đầu tư về nhân tài, vật lực, các cơ sở hạ tầng và nhân lực hoạt động.  Tỉnh phải có chính sách thông thoáng để thu hút nguồn vốn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mà trước mắt là cụm di tích Lam Kinh - Thành nhà Hồ, để từ đó tạo dựng nên những sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng của xứ Thanh./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục