Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hoá ở Lào Cai

Cập nhật: 03/10/2012 08:38:24
Số lần đọc: 2083
Kho tàng di sản văn hoá các dân tộc Lào Cai rất đa dạng, phong phú và nhiều chủng loại có niên đại trải dài từ trước và sau công nguyên đến ngày nay. Hầu hết những di sản ở Lào Cai đã trở thành những công trình văn hoá có giá trị lịch sử như: Di tích lịch sử cách mạng, văn hoá tâm linh, danh thắng và kiến trúc nghệ thuật... là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Lào Cai.

Lễ hội Trầu Sun của dân tộc Dao đỏ.

Với đặc điểm là tỉnh miền núi, Lào Cai có nhiều núi cao vách đá dựng đứng và hệ thống sông, suối chằng chịt tạo nên độ ẩm lớn. Đây là một trong những yếu tố tạo nên các loại hình di tích hang động. Hang động ở Lào Cai rất đa dạng về chủng loại và phong phú về hình dáng như: Quần thể hang động Hàm Rồng (Mường Khương), động Tả Phìn (Sa Pa), Tả Phời (TP Lào Cai) và động Mường Vi thuộc địa phận xã Mường Vi (Bát Xát). Quần thể hang động Mường Vi gồm 1 hang chính Thuỷ Tiên nằm trong lòng ngọn núi cao chừng 500m, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi. Đứng ở cửa động có thể ngắm nhìn toàn bộ cánh đồng lúa bát ngát của thung lũng Mường Vi. Trong hang có nhiều mảng thạch nhũ mang hình hoa quả, cây trái, công cụ sản xuất... Cách động chính Thuỷ Tiên 150 - 200m về phía Đông Nam còn có 2 động nhỏ là động Cẩm Rang (Hang Gió) và Cẩm Tẩm (Hang Thấp), tạo thành một quần thể hang động huyền bí, tuyệt diệu. Nét độc đáo của động Mường Vi là xuyên suốt trong lòng núi và có cửa ra riêng biệt. Hang động Tả Phời nằm dưới ngọn núi cao khoảng 300m cách khu khai thác mỏ Apatít (Cam Đường) chừng 2km. Động có cấu trúc 12 tầng, rộng trên 2.000m² với nhiều nhũ đá trắng long lanh mang hình thù, như cây vàng, cây bạc, bầu sữa, các con vật thiêng và có cả tượng phật rất sinh động và linh thiêng. Quần thể động Hàm Rồng (Mường Khương) gồm 4 hang trong đó có 2 hang chính nối liên hoàn với nhau, cửa chính của động là nơi bắt nguồn của dòng suối Tùng Lâu nước chảy quanh năm tạo thành một dòng thác bọt tung trắng xoá. Đây là một thắng cảnh tuyệt diệu hấp dẫn nhiều du khách… Hang động ở Lào Cai có kích thước to, nhỏ khác nhau, được phân bổ chủ yếu ở khu vực núi có đá cao, chân núi thường là những dòng suối nhỏ. Mỗi hang động mang một vẻ đẹp riêng, tăng sự hấp dẫn, hiếu kỳ như gợi lại sự tích của người Việt cổ. Hầu hết các hang động kể trên đều đã được xếp hạng di tích thắng cảnh Quốc gia. Đây là một trong những điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Đối với di tích văn hoá tâm linh, Lào Cai mang đậm nét tôn giáo tín ngưỡng bản địa của cộng đồng người Việt cổ hoà đồng với tín ngưỡng văn hoá ngoại lai, như chùa thờ Phật, nhà thờ Thiên chúa giáo… Lào Cai có đền Bảo Hà (Bảo Yên) thờ ông Hoàng Bảy có công dẹp giặc giữ nước, phò vua, an dân. Đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, đền Cô Đôi (thành phố Lào Cai)… là nơi thờ linh thiêng những người có công dẹp giặc, tạo thiên, lập địa, mở mang bờ cõi, cầu mong đất trời phù hộ, xã tắc thanh bình… Các đền thờ ở Lào Cai như một biểu hiện tính nhân đạo của con người (vừa lo cho người sống, vừa lo cho người đã khuất), như một hình mẫu về những người anh hùng văn hoá dân tộc, nhằm giáo dục con người, hướng đến cái thiện. Hệ thống các di tích đền, chùa ở Lào Cai hầu hết đều nằm ở các cửa rừng, cửa sông, khe suối rất thuận tiện cho việc đi lại sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Ngoài ra, Lào Cai còn có đình thờ thành hoàng làng (Cam Đường), nhà thờ (Sa Pa)… Không chỉ vậy, ở Lào Cai mỗi ngọn núi con sông đều ghi đậm dấu ấn lịch sử, những chiến công vang dội của mảnh đất và con người nơi đây qua các cuộc kháng chiến chống giặc như: Khu căn cứ cách mạng Cam Đường, thành luỹ Trung Đô (Bắc Hà); thành cổ Nghị Lang (Bảo Yên); đồn Phố Lu… tất cả đều minh chứng cho giá trị lịch sử của Lào Cai và làm nền tảng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Mỗi dân tộc ở Lào Cai có nét văn hoá riêng biệt thông qua bộ trang phục, đồ trang sức, công cụ sản xuất, lễ hội, nhà cửa, tôn giáo… phản ánh tính sáng tạo, khéo léo, cần cù trong lao động sản xuất của mỗi tộc người. Người Dao, Nùng, Mông có nghệ thuật trang trí tranh cắt trổ trên giấy; người Giáy, Tày, La Chí… có nghệ thuật trang trí tranh vẽ trên giấy. Các đề tài vẽ chủ yếu về tôn giáo phục vụ cho các nghi lễ cúng, lễ hội, tết cổ truyền dân tộc như: Đạo Nho mang đậm hình tượng tôn thờ thần linh, bộ tranh Tam Thanh, Thập Điện, Diêm Vương, Phúc Thần… hay hình tượng tranh thờ của người Giáy, bà mẹ hoá thân thành nữ thần, chăm sóc trẻ thơ, dạy nhân dân trồng trọt, chăn nuôi… Tranh dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai cũng là một di sản văn hoá, một thành tố của văn hoá dân gian, cần được bảo lưu trong kho tàng văn hóa dân tộc…

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, trong những năm qua, ngành văn hoá - thể thao và du lịch tỉnh đã có nhiều cố gắng trong khảo sát, sưu tầm, bảo lưu hàng nghìn hiện vật cổ có giá trị; khảo sát lập hồ sơ trùng tu, tôn tạo nhiều di tích. Các di tích được trùng tu, tôn tạo và được công nhận xếp hạng, ngoài việc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử truyền thống của nhân dân các dân tộc, còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Lào Cai với bè bạn muôn phương./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục