Canh chuối rừng: Món ăn khoái khẩu của người Kor, Quảng Ngãi
Chuối rừng có khắp nơi trong rừng, thường mọc gần nguồn nước, hình dáng, cấu tạo giống các loại chuối thường trồng dưới xuôi. Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Kor, chuối rừng có tác dụng giữ nước rất tốt. Và có điều đặc biệt là nguồn nước dùng sinh hoạt của dân làng phải được lấy từ nơi nước có nhiều chuối rừng mọc. Các cụ già nói rằng, ngày xưa khi người Kor còn sống du canh, du cư, nếu tại làng mới định cư mà không tìm được nguồn nước xuất phát từ nơi có chuối rừng, dân làng phải đi lấy chuối từ nơi khác về trồng. Có lẽ ngoài tác dụng giữ nước, chuối rừng còn có vai trò nào đó trong việc làm cho nguồn nước trong lành, tốt cho sức khoẻ, nên mới được coi trọng như vậy.
Chuối rừng không chỉ là cây giữ nguồn nước tốt cho dân làng, mà còn gắn bó mật thiết với đời sống của người Kor. Từ xa xưa, người Kor đã biết khai thác chuối rừng để chế biến thành những món ăn ngon, như chuối rừng hấp cua, chuối rừng giả ớt… nhưng từ chuối rừng, chế biến thành món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội của cộng đồng chính là món canh chuối rừng.
Chuối rừng dùng chế biến món ăn này có quanh năm, nhưng theo bà con thì ngon nhất là vào mùa xuân. Thời gian này cũng là mùa diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Kor, như tết ngả rạ, cúng cơm mới, lễ đâm trâu… nên chuối rừng được dân làng khai thác về nấu canh nhiều nhất.
Phân công đi lấy chuối rừng là những thanh niên khoẻ mạnh, biết trèo cây nhanh như con sóc để hái trầu, hái cau và có sức khoẻ để vượt rừng vượt núi, khai thác và cõng chuối rừng về làng. Người đi khai thác chuối rừng cũng tuân thủ một số quy định của làng. Những cây chuối mập, phát triển khoẻ, lá xanh mướt, to đều và chưa trổ buồng sẽ được chọn làm nguyên liệu nấu canh. Bà con dùng dao chặt sát gốc cây, phần lá chuối cũng được mang về để làm đồ lót và có tác dụng như cái mâm của người Kinh để đặt lễ vật lên khi cúng. Lớp vỏ già bên ngoài của thân cây chuối được lột bỏ, chỉ lấy phần lõi non bên trong và chặt ra từng đoạn cho vào gùi. Khai thác xong, bà con không quên dọn sạch và vun vén gốc chuối vừa khai thác để cây non tiếp tục mọc lên.
Lõi non thân cây chuối đem về, rửa sạch, xắt mỏng, băm nhỏ. Trong khi băm, các mẹ, các chị khéo léo lấy bớt nhựa chuối để loại bỏ bớt vị chát, cho món canh thêm ngon. Chuối được băm nhỏ, rồi trộn đều với thịt nạc, huyết trâu (bò, heo), thêm gia vị mắm, muối và ớt rừng giã nhuyễn. Cùng lúc đó, trên bếp lửa hồng giữa làng là nồi bung to đang ninh xương trâu (hoặc bò, heo tuỳ theo lễ hội) đang sùng sục sôi. Khi nồi nước ninh xương nổi lên những gợn mỡ vàng sóng sánh, tức là xương đã chín. Lúc này các bà, các mẹ khéo léo cho hỗn hợp chuối, thịt, gia vị đã chuẩn bị sẵn vào nồi, tiếp tục đun sôi. Khi hương vị thơm lừng toả lên ngào ngạt là canh đã chín.
Trong không khí của lễ hội, bụng đói lả sau khi vui hát, thưởng thức bát canh chuối rừng nóng hổi, thật sự là một cảm xúc khó tả thành lời. Cái vị bùi, ngọt và chan chát của chuối, vị béo của thịt, vị ngọt của xương và một chút cay cay, thơm thơm của ớt rừng hoà quyện, tạo nên cái hương vị hoang sơ mà tinh tế rất đặc biệt của núi rừng, thách thức mọi vị giác của những người khó tính nhất.
Bát canh chuối rừng bổ dưỡng, thơm ngon, nhưng hơn thế, nó còn hàm chứa cái giá trị tinh thần sâu sắc. Đó là món ăn của cộng đồng, do cộng đồng cùng nhau chế biến và thưởng thức vui vẻ trong các dịp lễ hội. Có lẽ vì vậy mà trong tâm thức của mỗi người con dân tộc Kor, dù có đi đâu, về đâu và làm gì, thì hương vị của món canh chuối rừng sẽ mãi còn phảng phất, gợi nhớ không nguôi về nguồn cội, buôn làng.