Non nước Việt Nam

Các lễ hội truyền thống Vân Đồn, Quảng Ninh

Cập nhật: 27/08/2008 10:08:22
Số lần đọc: 3053
Lễ hội truyền thống Vân Đồn thường lệ hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch tại làng đảo Quan Lạn ngày nay (Vân Đồn xưa).

Lễ hội Vân Đồn khác hẳn với một số lễ hội ở trong nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Khác ở chỗ không phải là lễ: Cầu mưa-cầu ngư, mà ở đây phần lễ cũng như phần hội được khắc họa không gian hồi cố lịch sử về sự kiện của quân dân thời Trần dưới sự chỉ huy của Phó tướng Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của triều đình nhà Nguyên vào mùa xuân năm 1288 tại luồng Sông Mang địa danh Vân Đồn xưa (Quan Lạn ngày nay).



Lễ hội diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 10 đến hết ngày 19/6 âm lịch.

Ngày 10/6 (âm lịch) treo cờ thần khóa làng, tiếng trống thu quân được đánh lên ở trung tâm lễ hội, tiếng trống có ý nghĩa: Báo hiệu có giặc xâm phạm bờ cõi Tổ quốc. Cho nên ngày khóa làng mọi người dân trên đảo không được đi ra khỏi làng.

Cùng ngày, các bô lão làm lễ thay áo cho vua Lý Anh Tông- Nhân huệ Vương Trần Khánh Dư- tướng Phạm Công Chính... Công bố luật tổ chức lễ hội cho bàn dân thiên hạ biết, để mọi người chuẩn bị lương thực và mọi sinh hoạt trong 10 ngày, thuyền cho đậu vào vị trí an toàn.

Ngày 11 và ngày 12 phân chia thành hai giáp: 1- Giáp Đông Nam Văn, 2- Giáp Đoài Bắc Võ. Hai Giáp chuẩn bị tổ chức làm lễ cai đám cho các bé trai từ 1 đến 5 tuổi, mỗi giáp giết 1 con lợn ngoài 80 kg, một ván xôi có từ 10 đến 15 kg gạo nếp, một con gà trống thiến trên 2kg, các gia đình có con trai trong độ tuổi làm cai đám phải đóng góp 10đ (tiền ngày xưa). Công việc xong xuôi mang ra đình làng làm lễ rồi xin lộc đưa về giáp ăn uống vui vẻ, các bé trai có quyền được ngồi vào mâm cùng ăn với các bậc cao niên. Từ năm 1960 thế kỷ XX trở lại đây, việc làm lễ cai đám không tổ chức nữa, bởi rất tốn kém cho các gia đình nghèo. Tuy vậy có thể coi việc cai đám là điểm danh những trai đinh mới của cộng đồng nơi đây.

Ngày 13,14, 15 Hai giáp chuẩn bị chọn thuyền có trọng tải từ 5 đến 6 tấn sửa sang tháo dỡ cột, buồm, tuyển mộ quân chèo và người cầm cờ, cầm lọng, tàn, đánh trống, pheng la. Quan trọng hơn cả là mỗi giáp họp bàn phong một tướng cầm quân, tướng phải to cao lực lưỡng, trước đây người được phong tướng phải có chức sắc từ phó lý, ngày nay người được phong tướng phải có uy tín với làng xã. . .

Ngày 16/6 âm lịch tướng quân hai bên văn võ cùng các vị bô lão trong làng tập trung ở đình làng đi rước thần. Kiệu rồng được khênh đi trước cùng với nhiều mâm hoa quả, xôi gà, hai bên là hai hàng quân văn võ trong trang phục lính thời Trần, trống, cồng, pheng la hàng chục cái, đi sau kiệu rồng là các vị bô lão, các phật tử chùa Ninh Quang, tiếp đến là các dân làng trên đảo cùng du khách thập phương về dự hội, đoàn người đi rước thần kéo dài trên một cây số (năm 2008 người đi rước thần có tới 1000 người). Kiệu lên đến nghè thờ Trần Khánh Dư, các cụ bô lão lần lượt vào lễ thần và xin âm dương đón sắc phong cùng với chân linh Trần Khánh Dư đưa ra kiệu rồng. Đoàn người lại khênh kiệu đưa về đình, ngày 16 là một ngày rất trọng vọng trong việc tâm linh, trước đây chiều ngày 16 dù giàu hay nghèo gia đình nào cũng làm một mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên, ông bà cha mẹ đã quá cố.

Ngày 17 hai bên giáp văn và võ dựng doanh trại luyện tập quân sĩ, quán triệt luật lệ, chuẩn bị hậu cần ăn uống. 11 giờ ngày 18/6 âm lịch, trước khi quân tướng ra trận, một bộ phận nhỏ có trách nhiệm đưa hai thuyền vào đậu trước cửa miếu đức ông để làng cho người xuống vẽ rồng, tối ngày 17/ 6 lễ đài sân khấu được trang hoàng lộng lẫy, cờ xí rợp trời, cồng, pheng la âm vang cả một vùng biển đảo, các đội văn nghệ hai giáp cũng như các đội văn nghệ các xã bạn giao lưu trên sân khấu. Đặc biệt năm nào cũng có một vở kịch ngắn khoảng 30 phút diễn lại cuộc võ công vệ quốc của tướng quân Trần Khánh Dư giết giặc trên luồng Sông Mang lịch sử. Nhìn chung kể từ ngày mồng 10 đến ngày 17 ngày cũng như đêm ở đình, miếu, chùa, nghè luôn luôn đông nghịt người tế lễ hương đăng, cầu đức thánh Trần về dự hội, ngoài ra ban ngày các trò chơi kéo co, đánh vật, bóng đá, bóng truyền góp thêm cho không khí ngày hội đã náo nhiệt lại càng náo nhiệt hơn.

Ngày 18/6 âm lịch vào hồi 8h sáng hai tướng văn võ dẫn quân ra trước miếu Phạm Công Chính, hàng ngũ chỉnh tề để hai tướng vào lễ thần nhận binh khí: Kiếm, gươm, đao, lọng tàn, rầm chèo, quân sĩ trút bỏ quần áo dân binh thay vào đó là quần áo ra trận, văn quần áo màu xanh lam thắt đai màu đỏ, Võ quần áo màu đỏ thắt đai màu xanh, hai tướng mặc áo giáp, đội mũ Tướng ra trận rồi đẫn quân về doanh trại nghỉ ngơi. Vào lúc này trọng tài cũng như ban tổ chức lễ hội bận bịu với công việc cắm đường đua dưới biển, kiểm tra lại lần cuối các quy định trong quy trình thi đấu, ngoài ra còn có một bộ phận đi kiểm tra doanh trại cũng như hậu cần của hai giáp.

14h chiều cùng ngày hai tướng văn võ dẫn quân diễu hành trên bộ ba vòng tròn khép kín, mỗi lần gặp nhau ở trung tâm trước cửa miếu đức ông, tướng quân hò reo như sấm dậy, kết thúc 3 vòng lượn ngoài hai tướng dẫn quân vào sân miếu lượn tròn ba vòng trong sân.Khi lượn trong sân tướng quân phải chạy nhanh không được lạc đường, Văn trong Võ ngoài đã được quy định bất di bất dịch hàng ba bốn trăm năm nay. Sau ba vòng tròn khép kín, hai hàng quân đứng nghiêm trang để ban tổ chức làm việc, sau đó hai tướng vào lễ thần nhận lệnh ra trận. Lúc này, tại sân miếu đức ông, như một cuộc hỗn chiến, người cõng tướng người cầm đao phát đường quân dân hò reo cùng với trống cồng inh ỏi đưa quân xuống thuyền rồng lao ra biển. Hai thuyền diễu hành trên biển ba vòng khép kín rồi từ từ cập bến để hai tướng đọc lời rao. Lời rao mang nội dung cầu mong tiên tổ phù hộ độ trì cho dân làng sức khỏe, cho già trẻ bình an, cho dân khang quốc thịnh. Lời rao còn có một hàm ý mang đầy ý chí quyết tâm bảo vệ non sông đất nước. Lời rao cũng như lời hịch, lời cáo hoặc lời truyền một hình thức bố cáo phổ biến và phù hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ. Rứt lời rao hai thuyền rồng quay mũi thật nhanh ra cọc tiêu điểm xuất phát, hiệu còi bắt đầu cuộc thi nổi lên hai thuyền lao ra phía trước, đến điểm quy định vòng vào đường dây băng chấm thắng thua(ra vào 1600m) cuộc đọ sức đo tài khoảng 13 phút thắng hay thua hai tướng đều dẫn quân tập trung trước cửa miếu đức ông để làm lễ trả kiếm và dẫn quân về doanh trại ăn uống vui vẻ.

8h30 phút ngày 19/6 âm lịch tướng quân lại tập trung ngoài sân đình cùng với các bô lão và bà con cô bác làm lễ cầu bình, mang thuyền chiến làm bằng giấy ngũ sắc, vàng bạc, hương vàng ra mép nước đốt, vãi gạo, vãi muối mọi người thì thầm khấn vái rồi cùng nhau đưa sắc phong và chân linh Trần Khánh Dư lẫn kiệu về nghè gọi là: xa giá hoàn cung kết thúc ngày hội làng.

Lễ hội chèo bơi ở Quan Lạn Vân Đồn, Quảng Ninh đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng đảo, từ già trẻ, trai gái, không ai là không ngưỡng mộ. Ngày hội hàng năm có sức quy tụ dân làng còn hơn cả ngày tết âm lịch.

Lễ hội tổ chức thường lệ hàng năm tại làng đảo Quan Lạn, có ý nghĩa và giá trị nhiều mặt về: Kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và văn hóa xã hội. Cùng với quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Thương Cảng cổ Vân Đồn - Trung tâm buôn bán thịnh vượng trong nhiều thế kỉ tại cảng cổ Cái Làng xã Quan Lạn ngày nay. Lễ hội thực sự là một di sản văn hóa quý báu cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. 

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT