Hành trang lữ khách

Hành trình du lịch Tả Phìn (Lào Cai)

Cập nhật: 28/08/2008 09:08:27
Số lần đọc: 2267
Cách thị trấn Sa Pa 12 km về phía Tây Bắc, xã Tả Phìn nằm trong tuyến du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa. Vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo cùng với văn hoá truyền thống giàu bản sắc của đồng bào Mông, Dao đã tạo cho vùng đất này tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn.

Đến Tả Phìn, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng núi non trùng điệp rực rỡ của muôn loài hoa. Con đường trải nhựa phẳng phiu như dải lụa vắt qua sườn núi, hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang ngợp màu xanh của lúa, kề bên là nương ngô, rừng chàm và các loại cây ăn quả như: đào, mận, lê…

Điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến Tả Phìn là thăm quan tu viện, một công trình kiến trúc cổ độc đáo theo kiểu phương Tây được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đến nay vẫn giữ nguyên dáng vẻ cổ kính rêu phong. Nhìn về phía Đông Nam, đối diện tu viện là núi Hàm Rồng có vẻ đẹp kỳ vĩ nằm trên địa thế uy nghi với các dãy đá nhấp nhô, mang nhiều hình thù khác nhau, nổi lên là vóc dáng con Rồng khổng lồ đang vươn mình, đầu ngẩng cao bao quát cả một vùng du lịch Sa Pa.

Tiếp tục cuộc hành trình, trên con đường trải nhựa du khách sẽ được tới thăm câu lạc bộ thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao. Đến đây du khách được thoả sức ngắm nhìn những sắc mầu rực rỡ trên bộ trang phục truyền thống của người Mông, người Dao đỏ. Hàng thổ cẩm Tả Phìn với đa dạng mầu sắc, hình mẫu các loại từ váy, áo thêu, gối, túi đeo, túi xách, mũ, thảm đệm đến các đồ trang sức bằng bạc trắng như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai... Đặc biệt là bức tranh thêu thổ cẩm với các đường nét phối mầu hài hoà chất liệu từ sợi tơ tằm, sợi lanh, qua đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ đã dệt nên bức tranh đa sắc, toát lên vẻ đẹp giản dị của người vùng cao. Thổ cẩm Tả Phìn không chỉ phục vụ khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan và mua tại địa phương, mà còn được nhiều nơi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hàng năm…

Cùng với câu lạc bộ thổ cẩm, sản phẩm thuốc tắm bản địa cũng đang được khôi phục và phát triển. Hiện nay, tại thôn Tả Chải có 18 hộ gia đình người Dao góp vốn thành lập công ty cổ phần chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc tắm bản địa. Chị Tẩn Tả Mẩy, người tham gia kinh doanh sản phẩm bản địa cho biết: cơ sở chủ yếu ký hợp đồng theo đơn đặt hàng, mỗi năm sản xuất từ 3-5 nghìn chai thuốc tắm dạng cao. Ngoài ra còn xây dựng các phòng tắm phục vụ nhu cầu du khách tắm thùng tại chỗ.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống độc đáo, các điểm du lịch bản làng cũng thu hút rất đông lượng du khách đến Tả Phìn. Làng văn hoá Sả Séng nằm dưới chân núi có độ cao trên 1.300m (so mặt biển), ẩn sâu trong lòng núi là hang động Tả Phìn - một  kỳ quan thiên nhiên dài hàng chục km. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí giữa vùng rừng núi bao la đầy thơ mộng. Khu vực hang động làâ nơi bắt nguồn của dòng suối Tả Chải ngày đêm uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh, tạo thành bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Nước suối trong vắt, độ mát lạnh trung bình từ 15-180C là điều kiện thuận lợi để Tả Phìn phát triển nguồn thuỷ sản nước ngọt như: cá Hồi, cá Tầm, tôm càng xanh…

Tả Phìn còn độc đáo ở những tập tục sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào Mông, Dao như: hệ thống các nghi lễ cưới của người Dao được tổ chức từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm; Các trích đoạn trong nghi lễ cám ơn Tổ tiên; Lễ tết nhảy "Pút Tồng", nghi lễ múa "Bai Tram", "bắt ba ba", "múa chuông" của người Dao… Cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa không bao giờ cạn kiệt được thể hiện qua câu hát giao duyên đầy ý nghĩa và những điệu múa khèn điêu luyện, tiếng đàn môi, khèn lá thì thầm mời gọi của những chàng trai, cô gái người Mông hẳn sẽ làm hài lòng du khách.

Du khách còn được thưởng thức hương vị các loại đặc sản nổi tiếng:  Rượu thóc của người Dao Đỏ thônTả Chải có mùi thơm đặc trưng, uống êm dịu, sảng khoái; Bánh chưng đen nhân thảo quả, bánh bột ngô, xôi ngũ sắc và thịt lợn muối chua… trở thành đặc sản nổi tiếng, món quà quý cho du khách.

Men theo con đường quanh co uốn khúc, du khách có thể đến thôn Suối Thầu. Đây là thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống cách trung tâm xã chừng 3 km. Nơi đây có những nếp nhà trình tường, mái lợp ván gỗ và các tập tục sinh hoạt của đồng bào còn giữ nguyên bản sắc truyền thống luôn hấp dẫn sự tìm hiểu, khám phá của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.  Đây là điểm dừng chân lý tưởng trước khi du khách tạm biệt Tả Phìn - vùng đất du lịch đầy lý thú.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục