Đậm đà hương vị bún thang thế kỷ - Hưng Yên
Bún thang xuất hiện ở nhiều nơi nhưng không phải ở đâu bún cũng ngon và đậm đà được như bún thang Thế Kỷ. Chẳng biết tại sao người xưa lại gọi là bún thang Thế Kỷ, chỉ biết rằng cứ nhắc đến bún thang, cứ thèm ăn bún thang Thế Kỷ người Hưng Yên thường tìm đến một quán bún thang ngon nổi tiếng, quán ăn ấy cũng mang tên Thế Kỷ. Làm bún thang, cái quan trọng nhất là phải đầy đủ nguyên liệu. Bún thang không như các loại bún khác, cần có rất nhiều nguyên liệu. Người ta ước tính cần phải có 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang. Thiếu một thứ là mất đi một vị, một màu. Đầu tiên là nồi nước dùng. Nước dùng phải thật trong, thật nóng, thật thơm mới đạt tiêu chuẩn. Nước dùng có cái ngọt của xương gà, xương lợn, ngọt của tôm he, nước mắm ngon, không được một chút gây nào của xương trâu xương bò hay ngọt vị lợ của đường hóa học. Kế đến là bún. Bún phải là bún rối, mềm, trắng muốt, sợi nhỏ, thường là bún Vân Tiêu, trước khi cho vào bát sẽ được trần qua để trở nên mềm hơn. Các nguyên liệu khác như lươn, gà, giò lụa, trứng tráng được thái chỉ, tơi bông lên. Và cuối cùng là hành lá, rau răm, mùi ta thái nhỏ, rắc lên trên. Nhiều người hiểu sai chữ thang, cho rằng gọi là bún thang vì bát bún giống thang thuốc vì nó có nhiều thứ. Điều đó không đúng. Bún thang nghĩa là bún chan canh, thang chính là canh. Bún thang lươn ngon hơn bún thang gà. Để làm được bát bún thang ngon đòi hỏi công phu hơn: phải chọn lươn tươi, ngon, thui qua lươn rồi mới mổ nên lươn không bị mất máu thịt ngọt và ngon hơn. Một bát bún thang Thế Kỷ được hoàn thành trông giống như một tác phẩm nghệ thuật với nhiều màu sắc: Có màu trắng của bún Viên Tiêu làm nền, màu vàng của lươn, gà, trứng tráng nổi lên trên nền rau răm, hành lá xanh rờn. Thêm chút mắm tôm và nước dùng nóng hổi, hương vị bát bún sẽ thật đậm đà, khó quên./.